Phải là nước ở ao làng, nơi có vị ngọt thơm của hoa sen, hoa súng, vị mát lành, trong trẻo của đất quê, mới có thể cho con người ta cảm nhận hương vị đầu tiên của cuộc đời và cũng là nơi “tẩy trần” cho những người con đi xa trở lại nơi chôn nhau cắt rốn.
Bao năm đường xa gió bụi, chỉ cần bước xuống từng bậc cầu ao, khỏa chân vào dòng nước mát lành và cúi mình đưa hai tay đón từng giọt nước thơm ngái là như đất mẹ đã đón ta trở về, bụi trần dường như không còn vương vất...
Bao năm đường xa gió bụi, chỉ cần bước xuống từng bậc cầu ao, khỏa chân vào dòng nước mát lành và cúi mình đưa hai tay đón từng giọt nước thơm ngái là như đất mẹ đã đón ta trở về, bụi trần dường như không còn vương vất...
Ao là nơi sinh hoạt của cả làng. Ao gắn bó với gánh cỏ tươi của mẹ mỗi lần đi đồng về, với cái cày của cha mỗi cuối ngày khi đã xong xuôi mấy sào ruộng. Ao là nơi bà rửa rau, chị giặt giũ, nơi đôi lứa tình tự những đêm trăng thanh, nơi hóng mát của cả nhà những đêm hè oi ả... Ao cũng là nơi tuổi thơ tôi lớn lên. Mỗi khi chiều đến, lũ trẻ chăn trâu chúng tôi lại xúm xít chạy ra, nhảy thùm thùm xuống ao.
Tôi nhớ những dịp hè đến là lúc người làng tát ao. Cái ao rộng đến vài mẫu ta mênh mông nước vậy mà chỉ còn trơ lại cái đáy đỏ quạch những bùn là bùn. Cái khoái nhất của lũ trẻ chúng tôi là được đi “hôi” cá. Chỉ cần đưa tay vục xuống bùn là có thể bắt ngay được nào cá rô, cá cờ, nào cua, nào rạm... hay may mắn có thể bắt được cả cá trôi, cá chép đến vài lạng hoặc những chú tôm đồng nhảy tanh tách trong tay.
Tôi có một kỷ niệm không thể quên với lần “hôi” cá đầu tiên trong đời. Năm ấy, tôi mới chỉ là chú bé lên 9 nhỏ thó, đen nhẻm, nhưng đã biết làm mọi việc, từ nấu nồi cám lợn to gấp đôi mình đến đi mót lúa... Như bao đứa trẻ khác, tôi cũng ùa xuống ao để “hôi” cá. Nhưng khi kịp nhận ra chúng bạn đều có giỏ đeo bên hông để đựng cá, tôi mếu máo phi như bay về nhà gọi mẹ tìm giỏ. Mẹ lấy dây gai buộc giỏ quanh người tôi. Tôi chạy ra đến ngõ, mẹ còn gọi với theo: “Chậm thôi không ngã con!”. Vậy mà ngã thật. Vì mải chạy sợ người ta bắt hết cá mà tôi không để ý có một cái xe đang lao tới. Tôi ngã nhào, cái giỏ lăn lông lốc mãi ngoài vệ đường, chân đau nhói. Vậy là hết, tôi với cái chân bó bột khập khiễng đành ngậm ngùi xem đám bạn khoe chiến lợi phẩm của một buổi chiều vui hết cỡ. Những năm sau này tôi còn nhiều dịp đi “hôi” cá cùng chúng bạn nhưng cái cảm giác tiếc nuối vì cái lần đầu tiên không thành ấy thì còn theo mãi trong tim...
Sau bao năm xa quê trở về, tôi bàng hoàng vì cái ao thân thương ngày nào không còn nữa. Giờ đây, mọc trên cái ao ấy là những mái nhà san sát. Không còn cái thoáng rộng, cái hơi ẩm mát lành của dòng nước trong xanh, của hoa bèo tây tím ngắt một góc trời... Quê tôi giờ thành phố chợ, sầm uất, náo nhiệt, đông vui. Nước máy cũng được kéo đến từng căn nhà, không phải đi gánh từng gánh như xưa nữa. Không còn chỗ cho người ta nuôi cá, cũng không còn chỗ cho ai đó thả hồn làm thơ, không còn những lần tắm ao hay bắt cá, chỉ còn những bức tường bê tông màu khói lạnh lẽo che hết tầm nhìn...
Nhưng mảnh hồn quê ấy sẽ còn lưu mãi trong ký ức tôi và của bao đứa con xa xứ...