Học trò của Đỗ Trịnh Hoài Nam có rất nhiều người là CEO, doanh nhân, nhà thiết kế có tiếng… Với anh, chữ “Thầy” chính là động lực để hàng ngày anh cố gắng hoàn thiện mình để trao nhiều hơn nữa những giá trị dành cho xã hội.
Vào dịp 20/11, bên cạnh những lời hay ý đẹp dành để tôn vinh nghề nhà giáo, người ta vẫn nhắc đến một mặt trái là chuyện… phong bì. Về điều này, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết, anh không phải là một giáo viên ở một trường đào tạo, nên việc nhận phong bì là không có. Tuy nhiên, anh có một kỷ niệm khá liên quan đến chuyện “bao thơ”. “Đó là lần tôi được mời vai trò Ban giám khảo một cuộc thi thời trang. Có một cậu học trò là sinh viên tham gia cuộc thi có nhờ tôi giúp đỡ. Tôi hướng dẫn, chia sẻ từ trên phác thảo để bạn đó làm tốt hơn.
Sau khi tôi hướng dẫn nhiệt tình nhưng kết quả chưa được tốt, cậu học trò đã đưa cho tôi tờ 500 nghìn đồng. Lúc ấy, tôi rất tức giận. Bởi lẽ, tôi dạy cậu ta đâu phải vì giá trị vật chất. Tôi đã có phản ứng quyết liệt và nói những điều về đạo lý để cậu học trò hiểu “tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả và có những thứ bạn không thể mua được bằng tiền”. Có lẽ, cậu ta đã hiểu ra điều đó và sau lần thứ 2, tôi hướng dẫn, cậu đã đạt được kết quả rất cao của cuộc thi”.
Chia sẻ về tuổi học trò của mình, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nói, anh luôn biết ơn những người thầy đã dìu dắt mình từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi anh thành công. “Mỗi người thầy đều dạy cho tôi những trải nghiệm. Có những người thầy ở thời điểm đó tôi cho là không tốt, những người thầy “hay đề cao mình” thậm chí là có thời điểm khiến tôi cảm giác mình bị “hạ thấp” thì lại là động lực và dạy tôi được nhiều điều tuyệt vời hơn. Tôi không cổ súy cho điều này nhưng rõ ràng nó là động lực để tôi có ngày hôm nay”.
Anh cũng cho biết, có những người thầy là nguồn cảm hứng dành cho anh, và một trong những người tạo nguồn cảm hứng và làm thay đổi cuộc đời mình là tiến sĩ Menis Yousry. Đó chính là người đã cho anh thấy chân lý: “Cuộc đời này mình hạnh phúc thì mình có tiền, nhưng có tiền chưa chắc đã mua được hạnh phúc”.
Từng theo học cả trong nước và quốc tế, Đỗ Trịnh Hoài Nam nhìn ra được những điểm chung và sự khác biệt giữa “thầy ta” và “thầy Tây”. Theo anh, các giáo viên trong nước sinh ra trong một đất nước đang phát triển và trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên hệ thống đào tạo còn non trẻ chưa gắn nhiều với thực tiễn. Điểm khác biệt của các thầy cô nước ngoài là đa số họ được thừa hưởng một nền giáo dục nhiều năm tuổi nên đã thừa kế được một hệ thống đào tạo bài bản từ cơ sở vật chất lẫn kỹ năng đào tạo. Từ đó, họ được trải nghiệm trong môi trường hiện đại, tạo ra giá trị thực tiễn từ hệ thống được thừa kế từ nhiều đời trước.
“Nhưng dù là thầy ta hay thầy Tây, họ đều có điểm chung là ý thức được trách nhiệm của mình để trao giá trị cho trò, lấy kết quả của học trò làm thành công của mình”, anh nói.
Trong khi đó, một học trò của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ về người thầy của mình: “Tôi đã có gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Tôi học được rất nhiều từ những chia sẻ về cuộc đời kinh doanh thăng trầm của thầy Đỗ Trịnh Hoài Nam. Những công thức tư duy về thành công của người thầy đã làm tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và khi làm theo những hướng dẫn của thầy, cuộc sống và công việc của tôi đã thay đổi rất nhiều”.
NTK Vũ Thị Thu Hiền thì chia sẻ: “Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc học không chỉ trên giảng đường, trong các lớp học trực tiếp, phương pháp học tập, nghiên cứu đã thay đổi rất nhiều. Dưới sự hướng dẫn của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, việc sử dụng công nghệ đối với ngành nghề của tôi có những thay đổi rõ rệt, cắt nhanh hơn, đẹp hơn, chính xác hơn và vì thế giá thành cũng tăng lên”.
Nhiếp ảnh gia Bình Quách cho biết: “Thầy Đỗ Trịnh Hoài Nam rất giàu năng lượng, cháy hết mình trong công việc, luôn cháy trong mình lòng tự tôn và tự hào dân tộc. Điều đó thể hiện rõ trong các thiết kế mang đậm hồn Việt của thầy và trong cách thầy “truyền lửa” cho học trò”.