Nữ Đại sứ kết nối Việt Nam với nhóm G7

25/12/2015 - 07:00
37 năm làm công tác đối ngoại, 2 nhiệm kỳ đại sứ tại Áo và Canada, bà Nguyễn Thị Hồi đã tạo nên những thành công trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam với quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Hồi - nguyên Vụ trưởng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO - là người phụ nữ đã thiết lập những chuyến thăm chính thức cấp cao, mang tính lịch sử của nguyên thủ hai nước Việt Nam – Áo và Việt Nam – Canada; vận động thành công sự ủng hộ của quốc tế trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO; được Ủy ban UNESCO thế giới bầu chọn là một trong 60 người phụ nữ quốc tế điển hình có đóng góp cho 60 năm của UNESCO.

Năm 2005, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có chuyến thăm chính thức cấp cao đầu tiên đến Canada. Và bà Hồi chính là người đã có công thiết lập nên chuyến đi này.

 Bà Nguyễn Thị Hồi (tháng 4/2015)

Việt Nam đã kết thúc đàm phán với Canada trước cả Mỹ. Chính những lập luận sắc bén của bà là một mũi tên trúng hai đích khi vừa giúp Việt Nam có một lá phiếu đầu tiên của nhóm nước G7, vừa giúp bà tạo được dấu ấn đặc biệt với các chính khách Canada.

Nhờ sự nhạy bén của mình, bà đã biết được tâm lý của người Canada là không thích người ta “đồng hóa” Canada với nước Mỹ. Bởi vậy, bà đã thuyết trình với trưởng phái đoàn đàm phán của Canada rằng: “Thứ nhất Canada không phải là Mỹ mà tại sao các ông cứ phải chờ vào nước Mỹ. Thứ hai, trong lịch sử, Canada đã là một đất nước mà người dân Việt Nam ai cũng biết đến bởi các ông đã tham gia vào hai hiệp định đình chiến quan trọng kết thúc hai cuộc chiến tranh lớn nhất của Việt Nam đó là chống Pháp và chống Mỹ. Bởi vậy, Canada hãy làm việc đó trước Mỹ, coi đó như là một món quà cho nhân dân Việt Nam. Và vì rằng nếu Mỹ ủng hộ thì Canada cũng sẽ phải theo…”.
Bà Nguyễn Thị Hồi tại hội nghị ESCAP 1982 BK. Ảnh: Tư liệu 
Tiếp đó, bà biết Canada là một đất nước mà nhân quyền được đưa lên hàng đầu. Bởi vậy, bà Hồi đã tiếp tục những lập luận của mình rằng: “Nếu Canada tặng món quà đó cho nhân dân Việt Nam thì trước tiên món quà đó là dành cho phụ nữ và trẻ em. Bởi đằng sau đó là công ăn, là việc làm mà ở những xí nghiệp đó phụ nữ của chúng tôi chiếm đa số. Đằng sau những người phụ nữ đó lại là những trẻ em…”.

Thời điểm đó, việc nhìn thấy một lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam trên lãnh thổ của những nước tư bản phát triển đã là điều vô cùng hiếm thấy, huống chi là 2000 lá cờ đỏ sao vàng được cắm xen kẽ với cờ của Canada dọc trên tuyến đường đón Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm.

Thủ tướng Phan Văn Khải gặp bà khi đó đã nói rằng: “Đại sứ Hồi “hung” quá!” (ý là “Đại sứ Hồi mạnh bạo quá”). Từ đó, bà có biệt danh là “Hồi hung”.

Nhiệm kỳ đại sứ của bà tại Áo cũng thật đặc biệt. Nhắc đến tấm ảnh mà bà đã chụp với Tổng thống Áo, bà kể: Đây cũng là kỷ niệm mà bà không thể quên trong nhiệm kỳ làm đại sứ tại Áo (1992 - 1995). Đó là sự kiện Tổng thống Áo kỷ niệm tròn 60 tuổi. Bà Hồi đã gửi bức ảnh chân dung của Tổng thống Áo về Việt Nam nhờ bà con của mình ở quê nhà dệt tấm ảnh đó trên nền thảm len Hải Phòng. Bức ảnh đó sau khi được gửi đến văn phòng Tổng thống đúng ngày sinh nhật thì nửa tiếng sau bà Hồi đã nhận được tấm thiệp cảm ơn được gửi lại từ văn phòng Tổng thống với lời nhắn: “…Tại sao lại có thể tinh tế đến như vậy!”.
Đại sứ Nguyễn Thị Hồi đến chào Tổng thống Áo Thomas Klestil khi kết thúc nhiệm kỳ năm 1995. Ảnh: Tư liệu 
Cuối năm đó, trong buổi gặp mặt tất cả các Đại sứ trên đất nước Áo, Tổng thống Áo đã rất vui mừng, ôm hôn thắm thiết và nói với bà rằng: “Tôi nhận ra bà rồi, cảm ơn bà nhiều lắm!”. Điều ấy khiến đã Đại sứ các nước đứng bên cạnh phải ngạc nhiên và hỏi rằng: “Mới sang mà làm sao bà lại thân với ông Tổng thống như thế?”.

Họ không biết rằng, chính sự tinh tế, khéo léo và sự tự tôn về văn hóa dân tộc của mình đã giúp bà hoàn thành xuất sắc, là cầu nối giúp Việt Nam ký kết nhiều hiệp định quan trọng với Áo.
Bà Nguyễn Thị Hồi gặp mặt Thị trưởng Salzbourge 1992. Ảnh: Tư liệu 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm