Nữ doanh nhân nặng lòng với đồng bào dân tộc Mông ở Lao Chải

08/11/2021 08:40
Đồng bào dân tộc Mông thôn Ngài Là Thầu (xã Lao Chải) chuyển diện tích ruộng không chủ động về nước sản xuất sang trồng cỏ chăn nuôi gia súc. Ảnh: Thu Phương

Đồng bào dân tộc Mông thôn Ngài Là Thầu (xã Lao Chải) chuyển diện tích ruộng không chủ động về nước sản xuất sang trồng cỏ chăn nuôi gia súc. Ảnh: Thu Phương

Lao Chải, huyện Vị Xuyên, là xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang. Thời gian qua, chị Đặng Vân Anh cùng Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều hoạt động đồng hành, góp phần giúp phụ nữ và người dân nơi đây có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.


Xã có đường biên hơn 7,7 km giáp với Trung Quốc. Toàn xã có 4 thôn, bản, gồm Ngài Là Thầu, Cáo Sào, Lùng Chu Phùng và Bản Phùng. Người dân trong xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.

Đường giao thông đến xã đi lại khó khăn. Vào mùa mưa có khi đường sạt lở, ách tắc nhiều ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân nơi đây. Thời tiết Lao Chải cũng khá khắc nghiệt, mùa đông thường rét đậm, rét hại kéo dài, lại thiếu nước, khiến đồng bào chỉ có thể sản xuất một vụ mùa trong năm. Cùng với đó là trình độ dân trí không đồng đều nên việc tuyên truyền cho đồng bào hiểu và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước còn rất hạn chế. Đời sống của phụ nữ và người dân nơi đây ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo khá cao…

Nhằm giúp phụ nữ và người dân nơi đây có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống, Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang đã chọn Lao Chải để triển khai Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Trong quá trình triển khai Chương trình, chị Đặng Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Du lịch Thành Tuyên, tỉnh Tuyên Quang, cùng Hội Nữ doanh nhân tỉnh, đã có nhiều hoạt động đồng hành với phụ nữ nơi đây.

Chị Vân Anh chia sẻ, khi đến với Lao Chải, trên đường đi, chị bắt gặp hình ảnh nhiều phụ nữ dân tộc Mông vừa địu con vừa làm việc, đeo gùi trên lưng mang đồ xuống chợ bán; nhiều chị em vác trên vai cả bao gạo, gánh củi… Không chỉ người lớn, trẻ em gái cũng địu em trên lưng đi bán rau... "Hình ảnh về những nỗi vất vả của phụ nữ, trẻ em gái trên đỉnh núi mù sương Lao Chải còn rất nhiều... Nhưng tôi hiểu, cùng với đó là sự chịu đựng, hy sinh, nhưng cũng đầy nghị lực, sự ngoan cường để vượt lên tất cả những khó khăn vươn lên trong cuộc sống, xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc", chị Vân Anh cho biết.

Nữ doanh nhân nặng lòng với đồng bào dân tộc Mông ở Lao Chải - Ảnh 1.

Chị Đặng Vân Anh (thứ 5 từ trái sang) tặng quà cho phụ nữ ở xã Lao Chải

Nỗi vất vả của đồng bào dân tộc Mông nơi đây càng thôi thúc chị Vân Anh và các cấp Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang triển khai Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương thật hiệu quả. Khi bắt đầu triển khai Chương trình từ năm 2018, chị Vân Anh và Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Tuyên Quang trao tặng cho chị em phụ nữ Lao Chải một số nhu yếu phẩm (nước mắm, dầu ăn, muối, bột ngọt), vật dụng (chăn hơi, bát, ấm chén), trị giá trên 10 triệu đồng…

Chị Vân Anh tâm sự: "Sau khi gặp các chị, trong tôi, vẫn là những câu hỏi còn trăn trở, làm sao để các chị có cuộc sống tốt đẹp hơn, trẻ em gái và trẻ em vùng biên cương nói chung được học hành đầy đủ để sau này bớt đi những khó khăn, tự tin hơn".

Vì thế, khi trở về, chị kể lại kết quả chuyến công tác với chị em trong Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh. Năm 2020, chị cùng chị em trong Câu lạc bộ tiếp tục ủng hộ 5 triệu đồng cho hội viên phụ nữ xã Lao Chải và cùng Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang thực hiện một số hoạt động hỗ trợ phụ nữ trong xã phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo...

Cùng với sự chung tay đóng góp của Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh và sự huy động của Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang từ cán bộ, hội viên... Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ hội viên phụ nữ xã Lao Chải xóa 3 nhà tạm (trị giá 50 triệu đồng), hỗ trợ thực hiện 7 mô hình sinh kế nuôi trâu sinh sản (trị giá 105 triệu đồng) và thực hiện 30 mô hình chăn nuôi lợn (trị giá 150 triệu đồng); thăm hỏi, tặng quà cho hội viên, phụ nữ, trẻ em và nhân dân xã Lao Chải với tổng trị giá hỗ trợ khoảng trên 305 triệu đồng...

Nữ doanh nhân nặng lòng với đồng bào dân tộc Mông ở Lao Chải - Ảnh 2.

Người dân xã Lao Chải thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2021

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang cũng tích cực trong các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình "Nhóm phụ nữ giúp nhau viên gạch hồng và phát triển kinh tế"; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác Hội với cán bộ, hội viên phụ nữ xã Lao Chải... từ đó góp phần xây dựng tổ chức Hội và đời sống gia đình hội viên phụ nơi đây ngày một tốt đẹp, vững mạnh hơn...

"Tôi cũng biết rằng sự hỗ trợ của chúng tôi đối chị em phụ nữ xã Lao Chải chưa phải là lớn, chưa thấm vào đâu so với những vất vả và sự hy sinh lớn lao của các chị để góp phần xây dựng gia đình, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh vùng biên. Nhưng tôi thực sự vui mừng vì bước đầu chị em trong Câu lạc bộ Nữ doanh nhân, cũng như phụ nữ tỉnh Tuyên Quang đã sẵn lòng vào cuộc, có những việc làm thiết thực để chung tay giúp phụ nữ và người dân nơi đây", chị Vân Anh trải lòng.

Theo chị Vân Anh, với chị, chính từ hành trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, hình ảnh về những chị em nơi đây, đã tiếp thêm nghị lực để chị tiếp tục phấn đấu, lao động, sản xuất, làm giàu để hy vọng có thể hỗ trợ thêm các chị em phụ nữ còn khó khăn trên địa bàn tỉnh nói riêng và các địa bàn khác. Riêng với Lao Chải, chị tự nhủ, nhất định sẽ có một ngày chị còn trở lại để hỗ trợ thêm cho phụ nữ nơi đây.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn