Nữ tình nguyện viên hỗ trợ điều trị Covid: Chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình

11/09/2021 21:58
Tình nguyện viên Lê Thị Đài Trang quyết định ở lại giúp bệnh nhân Covid-19 sau khi hết 1 tháng tình nguyện

Tình nguyện viên Lê Thị Đài Trang quyết định ở lại giúp bệnh nhân Covid-19 sau khi hết 1 tháng tình nguyện

"Những bệnh nhân vào đây, họ không có người thân chăm sóc, trông rất thương nên tôi xem họ như người thân và chăm sóc họ bằng tất cả tình cảm của mình", tình nguyện viên Lê Thị Đài Trang, làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 Thủ Đức, chia sẻ.

Lê Thị Đài Trang sinh năm 1995, quê gốc ở tỉnh Bình Thuận là một phật tử. Trang đang học ngành Điều dưỡng tại trường Trung cấp Tổng hợp Đông Nam Á. Trang là tình nguyện viên tôn giáo đang phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 Thủ Đức, TPHCM.

Đài Trang kể về công việc tình nguyện viên (TNV) mà cô đang tham gia: Khi thấy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi ngày số ca nhiễm lại tăng cao, tôi tự nghĩ mình nên làm điều gì có ích cho xã hội thay vì ở nhà học online. Sau khi chủ động gõ tìm thông tin và nhân duyên đã đưa tôi đến với Facebook của Sư cô Giác Lệ Hiếu. Sư cô đã chia sẻ một bài viết của thầy Thích Nhật Từ về việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang huy động lực lượng tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Tôi đã đăng ký ngay và hồi hộp ngồi đợi thông báo. Ngày 22/7, tôi tham gia lễ xuất quân của lực lượng TNV tôn giáo tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. Cuộc hành trình trở thành TNV tôn giáo của tôi được bắt đầu từ đây. Tôi được đến phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Thủ Đức).

Khi được gọi đi tập kết, tôi đã rất phấn khởi vì mình có thể góp một phần công sức nhỏ bé trong công tác đẩy lùi dịch bệnh. Tôi nhờ cạo đi mái tóc dài là để mặc đồ bảo hộ dễ dàng hơn, thuận tiện cho việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Cắt tóc có thể xấu đi một xíu nhưng không sao, tóc sẽ mọc lại nhanh thôi. Điều quan trọng với tôi là phải hoàn thành nhiệm vụ mà mình đã lựa chọn.

Các TNV tôn giáo là một phần thanh xuân đáng nhớ của tôi - Ảnh 1.

TNV Lê Thị Đài Trang từng có mái tóc dài rất đẹp

Tôi nhớ rất rõ ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ làm việc tại ICU 2B-nơi điều trị tích cực cho bệnh nhân Covid. Lúc đó, tôi hơi bỡ ngỡ và không biết phải làm gì. Nhưng nhờ có sự hướng dẫn nhiệt tình của các anh chị y, bác sĩ, điều dưỡng mà tôi dần làm quen với công việc.

Công việc hằng ngày của chúng tôi là cho bệnh nhân ăn, uống, làm vệ sinh cá nhân, lau mặt, thay tã cho bệnh nhân, thay ga giường, dọn vệ sinh phòng bệnh, lau dọn phòng...

Mặc dù công việc khá vất vả nhưng tôi luôn tìm niềm vui trong công việc, dù công việc đó là lớn hay nhỏ. Vì tôi biết rằng không phải mình chỉ phục vụ ngày một ngày hai mà nó là một hành trình dài.

Tôi chăm sóc bệnh nhân bằng tất cả tình cảm của mình chứ không phải là nhiệm vụ nữa. Nhìn những bệnh nhân vào đây, họ không có người thân chăm sóc, không ai bên cạnh mà thương không kể xiết. Nên tôi luôn tận tình chăm sóc họ. Tôi thường nói chuyện và dành các lời khuyên chân thành nhất dành cho người bệnh. Tôi xem tất cả bệnh nhân như người thân của mình. Mỗi người bệnh đều có một hoàn cảnh riêng và để lại cho tôi nhiều ấn tượng.

Các TNV tôn giáo là một phần thanh xuân đáng nhớ của tôi - Ảnh 2.

Mặc dù công việc khá vất vả nhưng tôi luôn tìm niềm vui trong công việc, dù việc đó là lớn hay nhỏ

Tôi nhớ nhất là một nữ bệnh nhân tên Có. Cô mắc Covid-19 và còn bị bệnh rối loạn thần kinh. Dù khát nước hay không khát lúc nào cô cũng gọi xin nước. Tôi đã cho cô uống liên tục và nhỏ nhẹ dặn cô đi ngủ, nếu không bị đau gì thì đừng làm phiền các bác sĩ vì họ bận lắm. Cô nghe xong gật đầu đồng ý. Vậy mà khi tôi vừa quay lưng đi, cô lại xin nước. Tôi phải quay lại cho cô uống nước và tiếp tục dặn dò, vỗ về cho cô đi ngủ.

Cuối cùng, tôi phải dùng chiêu của trẻ con để cô chịu đi ngủ. Tôi bảo: "Cô hứa là đi ngủ và không đòi uống nước nữa mà, cô lớn rồi mà không giữ lời hứa là con nghỉ chơi với cô luôn, con đi về luôn. Cô đi ngủ đi khi nào cần gì thì gọi tên con là Trang nha". Vậy là cô năn nỉ giống như con nít: "Thôi đừng nghỉ chơi với tui mà". Lúc đó, tôi thấy thương cô nhiều hơn. Dường như cô nghe và nhớ lời tôi nói nên cô hợp tác rất tốt. Hôm sau, đang trong ca trực, tôi nghe cô ấy gọi "Trang ơi, mắc… (đi vệ sinh)". Trời ơi! tôi nghe mà không nhịn được cười.

Còn một kỷ niệm rất ấm lòng mà tôi ấn tượng mãi. Hôm đó tôi và chị Linh, cũng là TNV đi làm ca đêm. Khi tôi mở ba lô ra và thấy có lốc sữa tươi trong đó. Tôi với chị Linh tưởng ai bỏ nhầm vào ba lô của mình. Sau đó, chị Linh mở ba lô của chị ấy ra cũng có 1 lốc sữa giống vậy. Có lẽ, một người nào đó đã âm thầm tặng món quà này cho chúng tôi để động viên. Món quà nhỏ nhưng làm chúng tôi cảm thấy rất vui.

Thời gian một tháng tình nguyện kết thúc, tôi quyết định ở lại tiếp tục phục vụ. Chính sự tận tâm, chuyên nghiệp và nhiệt tình của đội ngũ y, bác sĩ đã giúp tôi hiểu hơn về những vất vả nơi tuyến đầu và quyết định ở lại cùng "chung lưng đấu cật" với họ. Đối với các anh chị TNV, sau một thời gian làm cùng nhau thì hiểu nhau và làm việc rất ăn ý. Chia tay những TNV về đợt 1, tôi sẽ rất nhớ họ. Họ sẽ là một phần thanh xuân đáng nhớ của tôi.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn