pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát ban dạng bỏng nước trên da ở bệnh tay chân miệng: Thời điểm xuất hiện, nguy cơ và cách xử trí
Bệnh tay chân miệng là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam vào thời điểm giao mùa, thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi và bệnh nhi càng nhỏ tuổi bệnh sẽ càng nặng.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM, phát ban dạng bỏng nước trên da ở bệnh tay chân miệng là dấu hiếu khá phổ biến và thường xuất hiện trong giai đoạn toàn phát của bệnh.
1. Phát ban dạng bỏng nước trên da ở bệnh tay chân miệng xuất hiện khi nào?
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có thể lây từ người sang người thông qua đường tiêu hóa, bệnh rất dễ gây bùng phát dịch do một số chủng virus đường ruột gây ra. Hai nhóm virus phổ biến nhất gây nên bệnh tay chân miệng phải kể đến và Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackievirus A16. Các loại virus này xâm nhập vào ruột non hoặc tế bào niêm mạc miệng.
Sau 24 giờ xâm nhập, virus sẽ tấn công vào các hạch bạch huyết ở vùng hồi tràng; virus sinh sôi tại đây và được gọi là giai đoạn ủ bệnh. Tiếp theo khoảng 3 -7 ngày, virus sẽ tràn vào máu gây ra những triệu chứng như sốt; trẻ bỏ ăn; cáu kỉnh; kêu đau họng; tăng tiết nước bọt.
Ở giai đoạn toàn phát, phát ban dạng bỏng nước trên da ở bệnh tay chân miệng xuất hiện khá phổ biến bởi virus có ai lực với niêm mạc và da. Do đó, virus thường tập trung trên da và gây một số tổn thương tại chỗ như bỏng nước ở tay, chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bỏng nước trong miệng, bỏng nước ở mông…
Có nhiều dạng phát ban, phát ban hồng không nổi bỏng nước và dạng bỏng nước. Trong đó, phát ban dạng bỏng nước trên da ở bệnh tay chân miệng thường có hình bầu dục, kích thước từ 7-10mm.
2. Phát ban dạng bỏng nước trên da ở bệnh tay chân miệng có gây biến chứng nguy hiểm không?
Theo bác sĩ Khanh, phát ban dạng bỏng nước trên da ở bệnh tay chân miệng thường không có nguy hiểm gì. Nếu bệnh nhi khỏi bệnh hoàn toàn mà không có dấu hiệu chuyển sang các cấp độ nặng của tay chân miệng thì các bỏng nước cũng sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày. Các bỏng nước trên tay, chân, miệng và mông của trẻ sẽ khô, đóng mày và tự bong tróc.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh: "Phát ban dạng bỏng nước trên da ở bệnh tay chân miệng không có gì đáng lo vì đa phần tự khỏi. Điều lo lắng nhất là giai đoạn toàn phát, cha mẹ phải quan sát dấu hiệu của trẻ như: trẻ giật bắn mình khi thiu thiu ngủ; trẻ sốt cao trên 2 ngày; trẻ mệt mỏi nhiều, tay chân yếu thì vô cùng nguy hiểm".
3. Điều trị phát ban dạng bỏng nước trên da ở bệnh tay chân miệng
Các nốt bỏng nước trên da ở bệnh tay chân miệng là biểu hiện vô cùng phổ biến và không gây nguy hiểm nên thường không cần phải cho trẻ uống hay bôi bất cứ loại thuốc nào để điều trị. Tuy nhiên, khi thấy dấu hiệu bỏng nước trên da của trẻ, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi gần nhất để xác định chính xác bệnh tay chân miệng; tránh nhầm lẫn với viêm da bỏng nước thông thường hoặc bỏng nước do bệnh thủy đậu.
Khi trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ nên chú ý vệ sinh da cho trẻ. Cho trẻ tăm bằng nước ấm đều mỗi ngày để tránh tình trạng bội nhiễm. Phụ huynh có thể quan sát dịch ở nốt bỏng nước, nếu dịch chuyển từ trong suốt sang màu vẩn đục thì đó là dấu hiệu bội nhiễm. Phát ban dạng bỏng nước trên da ở bệnh tay chân miệng phát triển khá nhanh và khi bị bội nhiễm cũng vậy.
>> Xem thêm: Cách vệ sinh nốt tay chân miệng chi tiết cho trẻ
Nếu tình trạng bỏng nước trên da bị bội nhiễm, thường bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh để điều trị và không gây nhiều nguy hiểm cho trẻ.
(Bài viết có tham khảo ý kiến BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM)