Phật giáo Ninh Bình chung tay xây dựng những mô hình ấm tình đoàn kết Lương - Giáo

28/11/2022 11:06
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức gặp mặt Tăng Ni lên đường chống dịch Covid-19 tại TPHCM. Ảnh: Minh Quang

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức gặp mặt Tăng Ni lên đường chống dịch Covid-19 tại TPHCM. Ảnh: Minh Quang

Nét nổi bật mang tính riêng và độc đáo của Ninh Bình là 2 tôn giáo đã tích cực hưởng ứng xây dựng Mô hình Dân vận khéo do Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy phát động.

2 mô hình Dân vận khéo do 2 tôn giáo chung tay ký kết xây dựng đó là:

Mô hình tiêu biểu thứ nhất: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình ký kết và ban hành kế hoạch phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, triển khai trên phạm vi toàn tỉnh mô hình điểm: "Vận động đồng bào có đạo và Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội". Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và thực hiện mô hình này tại các chùa và Giáo xứ. Với sự vào cuộc của các vị chức sắc các tôn giáo, mô hình đã tạo sự lan tỏa rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào có đạo. Việc cưới, việc tang được tổ chức theo nếp sống mới, không tổ chức linh đình, kéo dài nhiều ngày, hạn chế tổ chức tiệc mặn, không hút thuốc, hạn chế uống rượu...; Tích cực tổ chức Lễ hằng thuận tại các chùa, tiết kiệm, văn minh… Trong việc tang, nhiều gia đình đã hạn chế không rải vàng mã dọc đường, sử dụng từ 2-3 vòng hoa luân chuyển và khuyến khích thực hiện nghi thức hỏa táng.

Mô hình tiêu biểu thứ hai: "Vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo chung tay xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết Lương - Giáo" cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018-2022, Ủy ban MTTQ cùng với Ban Dân vận Tỉnh ủy vận động các chức sắc, chức việc các tôn giáo hỗ trợ xây mới gần 200 ngôi nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở với tổng trị giá gần 10 tỷ đồng. Đặc biệt để chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Đại hội Phật giáo các cấp, các Tăng Ni và các Linh mục của 2 tôn giáo đã chung tay, tham gia ủng hộ và tổ chức khởi công xây dựng xây những ngôi nhà ấm tình đoàn kết Lương - Giáo cho 22 hộ gia đình người Công giáo, dân tộc là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền hỗ trợ gần 3 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, đặc biệt phải kể đến sự tham gia đóng góp của đồng bào các tôn giáo trong hoạt động vì người nghèo. Trong những năm qua, Phật giáo tỉnh Ninh Bình đã ủng hộ đóng góp và làm công tác từ thiện, nhân đạo với số tiền gần 20 tỷ đồng cho việc xây nhà đại đoàn kết, nhà ở cho hộ nghèo, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả do thiên tai bão lũ tại các tỉnh miền Trung...

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, đồng bào các tôn giáo đã hiến hàng chục ngàn mét vuông đất và tài sản trên đất để phục vụ cho việc mở rộng đường liên thôn, liên xã, đường nội đồng và xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, đóng góp nhiều tiền của, ngày công để mở rộng khuôn viên, mua sắm thiết bị nhà văn hóa khu dân cư, sân chơi thể thao, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa..., góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đường làng, ngõ phố sạch đẹp khang trang, diện mạo nông thôn, đô thị ngày càng được đổi mới.

Phật giáo Ninh Bình chung tay xây dựng những mô hình ấm tình đoàn kết Lương - Giáo - Ảnh 1.

Tăng Ni, Phật tử tại Chùa Bái Đính (Ninh Bình) hỗ trợ tiêu thụ hơn 10 tấn mận cho người dân tỉnh Sơn La. Ảnh: NT

Điển hình là công tác phối hợp vận động hưởng ứng phong trào hiến tặng giác mạc, được các chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo tham gia hưởng ứng tích cực. Đến nay đã vận động được 15.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời, trong đó có 482 người đã hiến giác mạc, 2 người hiến mô tạng. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, thể hiện tính nhân văn sâu sắc và nghĩa cử cao đẹp. Ninh Bình hiện là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về hiến tặng giác mạc.

Nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, Phật giáo tỉnh Ninh Bình đã quan tâm hỗ trợ học bổng cho các em học sinh từ Tiểu học đến Trung học phổ thông có hoàn cảnh khó khăn. Năm học 2021-2022, Ban Trị sự Phật giáo 8 huyện, thành phố và các Tăng Ni đã đăng ký ủng hộ cho gần 200 em học sinh, mỗi em 4,5 triệu đồng/năm; có em mất cả cha và mẹ ủng hộ 12 năm. Tổng số tiền đăng ký hỗ trợ theo chu kỳ là trên 2 tỷ đồng.

Hưởng ứng lời kêu gọi "chống dịch như chống giặc" của Đảng, Nhà nước và Ủy ban MTTQ phát động, các tổ chức tôn giáo, các chức sắc tôn giáo đã chung tay có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp, ủng hộ vào quỹ Vaccine chống dịch bệnh và ủng hộ các vật dụng thiết yếu đến các khu cách ly và phong tỏa giãn cách; thăm hỏi và tặng quà, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch và tặng quà nhân dân TPHCM và các tỉnh phía Nam với tổng trị giá hơn 3,5 tỷ đồng. Chùa Tân Thành, huyện Kim Sơn (do Ni sư Đàm Quy trụ trì) tình nguyện tiếp nhận 119 người dân từ TPHCM về cách ly tại chùa, hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn nghỉ cho người cách ly. Vận động tín đồ, Phật tử cùng với Câu lạc bộ nữ Doanh nhân mỗi ngày nấu hơn 400 suất cơm miễn phí ủng hộ cho các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần 2 tháng.

Đặc biệt, trong phong trào "cởi áo nâu, khoác áo blue" đã có 11 Tăng Ni tình nguyện đăng ký, trong đó có 5 Tăng Ni tham gia là tình nguyện viên ra tuyến đầu, vào các bệnh viện dã chiến giữa tâm dịch TPHCM và các tỉnh phía Nam để góp sức cùng với đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19.

Ninh Bình là tỉnh trọng điểm của cả nước về tôn giáo, trên địa bàn tỉnh có 2 tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo.

Phật giáo có 357 ngôi chùa, trong đó có 26 chùa được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, 40 chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh; chùa Bái Đính và Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới. Toàn tỉnh có 318 Tăng Ni, trong đó có 293 Tỷ Khiêu, Tỷ khiêu Ni và 25 Sa di, Sa di Ni. Hàng giáo phẩm có 1 Hòa thượng, 10 Thượng tọa, 3 Ni trưởng, 31 Ni Sư. Toàn tỉnh có trên 190.000 Phật tử, chiếm 19% dân số của tỉnh.

Công giáo với trên 162.000 tín đồ, chiếm 16% dân số của tỉnh, trong đó có 342 nhà thờ giáo xứ, giáo họ, 145 Linh mục, 1 Giám mục nghỉ hưu, 1 Đức Tổng Giám mục giám quản tông tòa Giáo phận Phát Diệm. 

Đồng bào dân tộc thiểu số có 29.411 trong đó đồng bào Mường có 27.345 người, chiếm gần 3% dân số của tỉnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn