Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học tại Trung tâm Sinh học hội tụ Michelson tại Đại học Nam California (USC) của Mỹ và Viện Phân tử sinh học biến đổi tại Đại học Nagoya của Nhật Bản đã đưa ra một hướng nghiên cứu mới - thay đổi các nhịp sinh học trong cơ thể để chống lại ung thư.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu tế bào ung thư trên thận người và bệnh bạch cầu tủy cấp tính ở chuột xuất phát từ giả thuyết ban đầu rằng việc đảo lộn giấc ngủ và các thành phần khác trong nhịp sinh học có thể gây hại cho sức khỏe con người, điều này cũng đúng với các tế bào.
Nếu đồng hồ sinh học của các tế bào ung thư bị rối loạn, chúng có thể bị tổn thương hay thậm chí bị tiêu diệt.
Các nhà khoa học đã tìm ra một phân tử có tên GO289 có thể tác động lên enzyme khống chế nhịp sinh học của tế bào.
Loại protein này sẽ phá vỡ chức năng của 4 loại protein khác vốn có vai trò quan trọng giúp tế bào ung thư sinh trưởng và tồn tại.
Đặc biệt, GO289 làm chậm vòng tuần hoàn và gây lỗi nhịp sinh học của tế bào ung thư, mà lại ít ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh.
Giám đốc Trung tâm Sinh học hội tụ Michelson tại USC Steve Kay cho biết với GO289, khoa học có thể ngăn chặn sự phát triển của một số loại ung thư nhờ can thiệp vào cơ chế sinh học của tế bào.
Ông bày tỏ sự lạc quan về phát hiện này và cho rằng nó có thể trở thành một vũ khí mới hiệu quả trong việc điều trị ung thư.