Phụ nữ bản địa và những câu chuyện truyền cảm hứng

12/08/2021 08:30
Cô Nemonte Nenquimo, Tộc trưởng bộ tộc Waorani ở Ecuador

Cô Nemonte Nenquimo, Tộc trưởng bộ tộc Waorani ở Ecuador

Từ Canada, Mỹ đến New Zealand, Peru…, những nữ chính khách người bản địa đang khẳng định mình trên chính trường. Họ đã vượt qua nhiều rào cản để đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước và sự phát triển bền vững của thế giới.

Chiến thắng lịch sử

Ngày 26/7/2021, bà Mary Simon trở thành Toàn quyền Canada và là người bản địa đầu tiên đảm nhận chức vụ này trong lịch sử quốc gia. Bà Simon khẳng định: "Tôi có thể tự tin nói rằng việc tôi được bổ nhiệm làm Toàn quyền là một thời khắc lịch sử và đầy cảm hứng đối với Canada. Đây là một bước tiến quan trọng trên con đường hướng tới hòa giải, hướng tới một xã hội công bằng hơn".

Bà Mary Simon từng là Chủ tịch của Inuit Tapiriit Kanatami, một tổ chức quốc gia bảo vệ, thúc đẩy quyền và lợi ích của người Inuit. Bà đã tích cực tham gia các cuộc đàm phán dẫn đến Hiến pháp Canada năm 1982 chính thức đưa các quyền của thổ dân vào luật tối cao của Canada. Bà Simon đã giúp đàm phán Thỏa thuận "Vịnh James và Bắc Quebec" năm 1975, một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa người Cree và người Inuit ở phía Bắc Quebec với chính quyền tỉnh và tập đoàn điện lực của Quebec.

Bà Mary Simon, Toàn quyền Canada

Bà Mary Simon, Toàn quyền Canada

Bà Simon được bầu làm Chủ tịch của tổ chức Makivik Corp năm 1982 để quản lý các quỹ mà người Inuit nhận được từ sự phát triển trên vùng đất của họ. Hiện tổ chức này đang quản lý các khoản đầu tư trị giá hàng chục triệu CAD, bao gồm cả cổ phần sở hữu tại Canadian North, một hãng hàng không lớn ở Bắc Cực. Năm 1986, bà Simon đảm nhiệm việc dẫn dắt Inuit Circumpolar Conference (ICC), một tổ chức được thành lập vào năm 1977, đại diện cho người Inuit ở tất cả các nước Bắc Cực. Trên cương vị "thuyền trưởng" của ICC, bà Simon đã đấu tranh vì hai ưu tiên cho người bản địa ở phía Bắc. Đó là bảo vệ lối sống của họ khỏi tác hại của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế có trách nhiệm trên lãnh thổ truyền thống của người bản địa.

Tháng 7/2021, Hội đồng những cộng đồng bản địa tại Canada (AFN) đã có nữ lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử. Đó là bà RoseAnne Archibald, người đại diện cho 634 cộng đồng người bản địa trong AFN. Chiến thắng của bà Archibald được coi là nguồn khích lệ cho nữ giới vượt qua rào cản để tham gia nhiều hơn vào các tổ chức chính trị-xã hội. Cộng đồng người bản địa chiếm 5% tổng dân số 38 triệu người ở Canada và đã dần phát triển thành nhiều cộng đồng khác nhau, với phong tục, văn hoá và đặc trưng riêng.

Phụ nữ bản địa và những câu chuyện truyền cảm hứng - Ảnh 2.

Bà RoseAnne Archibald, lãnh đạo Hội đồng những cộng đồng bản địa tại Canada

Con đường không trải hoa hồng

Tháng 3/2021, bà Deb Haaland, nghị sĩ gốc bản xứ đầu tiên đến từ bang New Mexico của Mỹ, đã làm nên lịch sử khi trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước này. Trong vai trò mới, bà Haaland đóng vai trò quan trọng trong các chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu, chính sách năng lượng và công bằng sắc tộc của Tổng thống Joe Biden. Bộ Nội vụ không chỉ được giao trọng trách chăm lo an sinh cho 1,9 triệu người da đỏ bản xứ ở Mỹ mà còn quản lý hơn 202 triệu hécta đất công, vùng nước và hệ thống đê điều liên bang, các khu bảo tồn, lưu trữ sinh quyển quốc gia.

Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Deb Haaland

Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Deb Haaland

Câu chuyện của bà Haaland là minh chứng cho nỗ lực vươn lên của người Mỹ bản xứ thuộc bộ tộc Laguna Pueblo. Được đào tạo bài bản, có bằng tiến sĩ luật, bản thân Haaland cũng từng tham gia làm việc trong hệ thống chính quyền các cấp thuộc đảng Dân chủ từ thời Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, con đường bà Haaland đi qua không trải thảm hoa hồng. Là một người da đỏ bản xứ, Haaland từng sống không nhà cửa và phải nhận hàng cứu trợ. Bà cũng từng là nạn nhân của chính sách kỳ thị sắc tộc ở Mỹ. Năm 2018, Haaland là 1 trong 2 nữ chính khách bản xứ đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ (người còn lại là nghị sĩ Sharice Davids của bang Kansas). Đến tháng 1/2021, đã có thêm 6 người bản xứ trúng cử vào Quốc hội nước này, gồm 4 người bên đảng Dân chủ và 2 người ở đảng Cộng hòa.

Tích cực bảo vệ môi trường

Tháng 6/2021, hội đồng Giải thưởng Goldman 2021 - "Nobel Xanh" - đã vinh danh gương mặt can đảm trong đấu tranh bảo vệ môi trường. Đó là bà Liz Chicaje Churay với thành tích cứu 2 triệu ha rừng nhiệt đới Amazon khỏi lâm tặc. Bà là một nhà lãnh đạo bản địa người Peru. Với nỗ lực của Churay, Công viên quốc gia Yaguas được thành lập vào năm 2018. Việc thành lập Vườn Quốc gia này là một bước quan trọng trong công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học của quốc gia, bảo vệ hàng nghìn loài động vật hoang dã quý hiếm, bảo tồn các vùng đất than bùn giàu carbon cũng như bảo vệ người bản địa.

Nhà hoạt động môi trường người Peru Liz Chicaje Churay

Nhà hoạt động môi trường người Peru Liz Chicaje Churay

Còn cô Nemonte Nenquimo, tộc trưởng bộ tộc Waorani, đã giành Giải thưởng Môi trường Goldman 2020 vì hoạt động bảo vệ môi trường, giải cứu các khu rừng nhiệt đới của Ecuador trước các dự án khai thác dầu. Nenquimo trở thành cầu nối giữa người thổ dân và thế giới, gắn kết người già với thanh niên, đồng thời hợp nhất các bộ tộc từng bị chia rẽ và tiếp tục đấu tranh vì quyền của các cộng đồng thổ dân. "Chúng tôi bảo vệ rừng khỏi các kế hoạch khoan dầu, bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ con cái khỏi bệnh tật. Cần tái trồng cây và bảo vệ các khu rừng nguyên sinh. Các quốc gia bản địa trên khắp Amazon và thế giới phải hợp sức để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta", cô Nenquimo chia sẻ.

Ngày Quốc tế Dân tộc Bản địa Thế giới được Liên hợp quốc chọn là ngày 9 tháng 8 hàng năm, để tăng cường sự quan tâm của cộng đồng thế giới đến quyền của các dân tộc bản địa.

Nguồn: \NYT, Guardian

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.