Phụ nữ bị mua bán có thể còn bị… phạt tiền

11/09/2018 - 10:29
Tội phạm mua bán người tại Việt Nam ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp; trong khi đó, chính sách pháp luật hỗ trợ, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán vẫn còn nhiều bất cập, thậm chí gây cho nạn nhân cảm giác sợ hãi, bị kỳ thị.

Tại Hội thảo rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, diễn ra sáng nay, 11/9, đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho biết: Xu hướng chung của các loại tội phạm hình sự, tội phạm mua bán người tại nước ta diễn biến phức tạp, rất nghiêm trọng và phương thức thủ đoàn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Trung bình hàng năm, toàn quốc phát hiện khoảng 400 vụ án mua bán người. 90% nạn nhân các vụ mua bán người là phụ nữ, trẻ em gái.

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: Hiện nay còn một số bất cập trong chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân. Cụ thể, pháp luật vẫn chưa quy định việc loại trừ trách nhiệm hành chính cho nạn nhân.

Vì vậy mới xảy ra tình trạng trớ trêu: Phụ nữ đã là nạn nhân của tội phạm mua bán người, lại còn có thể còn bị phạt tiền vì hành vi bán dâm, xuất nhập cảnh trái phép, sử dụng giấy tờ giả mạo để xuất nhập cảnh. Theo ông Lê Đức Hiền, chính điều này có thể làm tổn hại đến quá trình hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân, gây cho họ cảm giác sợ hãi và bị kỳ thị.

tiep-nhanh-nan-nhan-bi-mua-ban.jpg
Hoạt động tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

 

Bên cạnh đó, tại Điều 6, Luật Phòng chống mua bán người quy định nạn nhân có quyền đòi bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần; tuy nhiên, trong nhiều trường hợp kẻ phạm tội không có khả năng bồi thường, trong khi pháp luật chưa có quy định về các biện pháp khắc phục. Ông Hiền nêu ví dụ, ở một số nước đã thành lập quỹ hộ trợ những nạn nhân bị mua bán; nguồn thu của quỹ này từ tài sản của đối tượng phạm tội bị tịch thu.

Ngoài ra, mặc dù pháp luật quy định nạn nhân bao gồm cả những người bị mua bán trong nước và nam giới, tuy nhiên trong thực tế hiện đang thiếu dịch vụ hỗ trợ cho cả 2 đối tượng này, đặc biệt là nam giới. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Hiền, một phần là do pháp luật còn thiếu quy định cụ thể về những loại đối tượng được hỗ trợ, bao gồm những nạn nhân tự trở về nhạn nhân ở địa phương khác, nạn nhân là nam giới, nạn nhân bị mua bán trong nước… nên chính quyền địa phương khó khăn trong việc hỗ trợ cho các đối tượng nạn nhân khác nhau.

phong-chong-mua-ban-nguoi.jpg
Hoạt động phổ biến, tuyên truyền về phòng chống mua bán người tại các vùng dân tộc thiểu số

 

Để khắc phục những hạn chế trong cơ chế, chính sách tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo ông Lê Đức Hiền, cần sửa đổi Nghị dịnh xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội năm 2005 theo hướng miễn trừ trách nhiệm hành chính cho nạn nhân bị mua bán trong một số trường hợp như bán dâm, xuất nhập cảnh trái phép, sử dụng giấy tờ giả mạo để xuất nhập cảnh để tránh cho họ cảm giác sợ hãi và bị kỳ thị, qua đó hỗ trợ tốt hơn việc tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân.

Đồng thời bổ sung vào nghị định quy định về từng dạng đối tượng được hỗ trợ và dịch vụ hỗ trợ với từng đối tượng nạn nhân, bao gồm những nạn nhân tự trở về, nạn nhân ở địa phương khác, nạn nhân là nam giới, để tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền các địa phương trong việc hỗ trợ các đối tượng khác nhau…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm