Nhiều khách du lịch có dịp quay lại các thôn bản vùng cao Tây Bắc đã vô cùng bất ngờ trước sự tự tin và năng động của những người phụ nữ dân tộc Mường, Thái, Mông. So với tính cách trầm lặng trước đây, họ dường như đã trở nên vui vẻ hơn, độc lập hơn và cũng cởi mở hơn từ khi làm du lịch cộng đồng.
Nhiều khách du lịch có dịp quay lại các thôn bản vùng cao Tây Bắc đã vô cùng bất ngờ trước sự tự tin và năng động của những người phụ nữ dân tộc Mường, dân tộc Thái, dân tộc Mông. So với tính cách trầm lặng trước đây, họ dường như đã trở nên vui vẻ hơn, độc lập hơn và cũng cởi mở hơn từ khi làm du lịch cộng đồng.

Đến bản Sà Rèn (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái), điều chúng tôi ấn tượng hơn cả, đó là sự tự tin, cởi mở, tràn đầy tâm huyết của những người phụ nữ - các "bà chủ" homestay nơi đây. Đón đoàn chúng tôi là bà Hoàng Thị Loan, chủ homestay Loan Khang – người đi đầu mở đường cho phong trào làm du lịch cộng đồng tại bản.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin làm du lịch cộng đồng - Ảnh 1.

Khung cảnh bình yên tại bản Sà Rèn

Bà Hoàng Thị Loan chia sẻ: Cuộc sống của bà trở nên năng động hơn kể từ khi làm du lịch. Đã ngoài 60 tuổi, nhưng tiếp xúc với bà, vẫn nhận thấy sự nhanh nhẹn, hoạt bát và đặc biệt, bà sử dụng công nghệ không thua gì thế hệ trẻ. Nhìn động tác bà cầm điện thoại livestream giới thiệu về đoàn du khách Pháp đang tham quam, trải nghiệm tại ngôi nhà của mình, có thể cảm nhận được niềm vui lấp lánh trong ánh mắt bà. 

Bà cũng chính là người trực tiếp liên lạc và đón khách, quảng bá mô hình du lịch cộng đồng trên các kênh online và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về du lịch. Ngôi nhà sàn xinh xắn của bà chính là động lực, là nguồn cảm hứng cho các hộ gia đình tại bản cũng đầu tư, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, đón tiếp du khách trong và ngoài nước.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin làm du lịch cộng đồng - Ảnh 2.

Gia đình bà Hoàng Thị Loan là một trong những gia đình tiên phong làm du lịch cộng đồng tại bản

Chia sẻ với chúng tôi về những ngày đầu ấp ủ ý tưởng biến ngôi nhà ở của mình homestay, phát triển du lịch cộng đồng, bà Loan kể: "Trước đây, tôi từng tham gia công tác ở Hội LHPN và ở xã. Sau thời gian làm việc thì làm ruộng, làm nương, chăn nuôi. Kinh tế cũng chỉ đủ ăn, đời sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. 

Chính vì vậy, ngay khi bản Sà Rèn tham gia dự án "Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới", gia đình tôi là 1 trong 9 hộ tại bản mạnh dạn đăng ký tham gia".

Với số tiền 20 triệu được dự án hỗ trợ, bà Loan quyết định cải tạo không gian sinh hoạt trong nhà, đầu tư hệ thống nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn để đón khách. Bà còn chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Yên Bái tổ chức; đi tham quan, tìm hiểu kinh nghiệm ở các vùng khác như ở thị xã Nghĩa Lộ, Mù Căng Chải (Yên Bái); Mai Châu (Hòa Bình), để về áp dụng cho mô hình nhà cộng đồng của mình. 

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, những người phụ nữ thôn bản vốn quen làm nương, làm ruộng như là Loan bắt đầu tìm hiểu, học tập từ những việc quen thuộc nhất như cách giao tiếp, nấu nướng, dọn dẹp đảm bảo theo tiêu chuẩn của hệ thống.

Những người phụ nữ thôn bản nay đã thành thạo cách nấu nướng, dọn dẹp phòng nghỉ... đảm bảo theo tiêu chuẩn của hệ thống homestay.

"Từ khi làm du lịch cộng đồng, bộ mặt thôn bản đã thay đổi, nhà cửa khang trang hơn, vệ sinh môi trường cũng được cải thiện. Đặc biệt, là sự thay đổi tích cực của những người phụ nữ trong bản. Từ việc quanh quẩn bên bếp núc và làm việc nhà, họ dần trở thành những người chủ gia đình thực thụ. Họ có khả năng làm kinh tế, có quyền tự quyết và tiếng nói trong gia đình dần được coi trọng. Bên cạnh đó, những nét văn hóa bản sắc văn hóa của dân tộc Thái như ẩm thực, trang phục.., cũng được họ bảo tồn, gìn giữ và giới thiệu đến du khách.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin làm du lịch cộng đồng - Ảnh 4.

Những nét bản sắc văn hóa, cuộc sống thường nhật của người địa phương được giới thiệu để du khách tìm hiểu, trải nghiệm

Cuộc sống đổi thay nhờ du lịch

Bản Tà Số thuộc xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông Hoa, cũng một điểm du lịch cộng đồng mới đang được huyện đẩy mạnh.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin làm du lịch cộng đồng - Ảnh 5.

Với những nét phong cảnh còn nguyên sơ, bản Tà Số là một điểm dừng chân của những người yêu du lịch vùng cao

Trưởng bàn Tà Số 2 Mùa A Lu giới thiệu cả 2 bản Tà Số 1 và Tà Số 2 hiện có 330 hộ, trong đó có 6 hộ làm homestay. Dù chỉ là những người sơ khai trong lĩnh vực này với kinh nghiệm hơn 1 năm, nhưng thời gian ngắn ngủi đó cũng đủ để "những người phụ nữ trong bản thay đổi rất nhiều", anh Mùa A Lu nhận định.

Dẫn chúng tôi lên homestay nằm trên đỉnh đồi, giữa khu vườn hoa mận hoa đào chuẩn bị bừng nở đón Tết là chị Sùng Y Hoa - một trong 3 phụ nữ Mông đầu tiên làm homestay tại bản Tà Số 2. 

Chị Hoa giới thiệu: Homestay Hoa Phong do chính vợ chồng chị cùng nhau hoàn thiện tới 90% công đoạn để tạo ra hình hài như hiện tại. Đón khách từ cuối năm 2021, vợ chồng Hoa đã vay vốn để dựng thêm nhà và dự định sẽ lắp thêm lò sưởi, bồn tắm và chuẩn bị một số dịch vụ khác đậm chất bản địa để phục vụ du khách lưu trú dài ngày hơn.

Ngôi nhà nhỏ xinh nơi vợ chồng chị Sùng Y Hoa xây dựng để đón khách

Chị chia sẻ: "Nhiều phụ nữ Mông tại bản Tà Số đã bắt đầu quan tâm hơn tới mô hình du lịch cộng đồng. Điều tôi hạnh phúc nhất là cả vợ cả chồng cùng đồng lòng để phát triển kinh tế. Tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình cũng được coi trọng hơn. Trong tương lai, vợ chồng tôi sẽ cố gắng mở rộng mô hình để cho các bạn nữ và nam trong bản có thể tiếp cận và phát triển giống như gia đình tôi".

Chị Đinh Thị Hường, Trưởng phòng văn hóa du lịch huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Trong việc tiếp cận kỹ năng mới, nhiều phụ nữ cũng chủ động và nhanh nhạy hơn nam giới, chẳng hạn như phụ nữ Mông tại bản Tà Số không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn rất thích học tiếng Anh và học còn giỏi hơn nam giới. "Nếu như trước đây chị em phụ nữ bản Tà Số chỉ tự tin 20% thì với những kỹ năng đã có, mức độ tự tin của họ trong công việc đã được nâng lên 40-50%", chị Hường khẳng định.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin làm du lịch cộng đồng - Ảnh 7.

Những người phụ nữ dân tộc thiểu số đã trở nên vui vẻ hơn, độc lập hơn và cũng cởi mở hơn từ khi làm du lịch cộng đồng.

Những người phụ nữ dân tộc Thái ở bản Sà Rèn hay dân tộc Mông ở bản Tà Số nhờ sự định hướng từ địa phương cũng như nhận được sự tư vấn, hỗ trợ của dự án qua các khóa đào tạo, họ đã tự tin phát huy thế mạnh và chủ động hơn trong việc thể hiện vai trò, vị trí của mình qua hoạt động phát triển du lịch công đồng. Các chị không chỉ là người gìn giữ mà còn góp phần quảng bá văn hóa bản địa, văn hóa truyền thống của đất nước, lan tỏa những nét đẹp truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Nhóm PV
02/12/2022 12:00