Phú Thọ: Hội LHPN huyện Cẩm Khê hỗ trợ phụ nữ công giáo phát triển kinh tế

13/10/2022 19:22
Hội LHPN  xã Phượng Vĩ (huyện Cẩm Khê) ra mắt mô hình Tổ liên kết trồng cây dược liệu

Hội LHPN xã Phượng Vĩ (huyện Cẩm Khê) ra mắt mô hình Tổ liên kết trồng cây dược liệu

Các cấp Hội LHPN huyện Cẩm Khê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ công giáo phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ viên đã thoát nghèo, làm giàu trên quê hương.

Nhiều chị em thoát nghèo

Huyện Cẩm Khê có 30% dân số là đồng bào công giáo. Hầu hết, bà con sống bằng nghề nông, đời sống còn khó khăn, phong tục tập quán còn ảnh hưởng đến nếp sống, nếp nghĩ của chị em có đạo.

Xác định nhiệm vụ hỗ trợ hội viên phụ nữ công giáo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời là đòn bẩy thu hút hội viên tham gia tổ chức Hội, Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ. Ví như tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm; đẩy mạnh triển khai phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển sinh kế, xây dựng các mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, Hội phối hợp các ngành giới thiệu, dạy nghề, tư vấn và hướng dẫn đi làm tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài huyện.

Với sự hỗ trợ của các cấp Hội, nhiều chị em, phụ nữ công giáo trên địa bàn huyện đã tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như chị Lê Thị Diệp Anh (hội viên phụ nữ của xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê).

Chị Diệp Anh cho biết, được các cấp Hội Phụ nữ tuyên truyền vận động, chị mạnh dạn vay vốn thành lập công ty sản xuất trà thảo dược. Không chỉ phát triển kinh tế cho bản thân, chị còn nhận bao tiêu sản phẩm của tổ liên kết trồng cây dược liệu của chị em phụ nữ xã Phượng Vĩ (huyện Cẩm Khê) với diện tích 1,3 ha. Từ đó, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động vùng công giáo khác trên địa bàn huyện.

Phú Thọ: Hội Phụ nữ huyện Cẩm Khê hỗ trợ phụ nữ vùng công giáo phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Các cấp Hội LHPN tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Cũng như chị Diệp Anh, chị Nguyễn Thanh Thủy (35 tuổi, ở khu Liên Hiệp, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê) luôn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế gia đình, thoát được nghèo. Được sự động viên, hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã giúp vay  30 triệu đồng, chị mạnh dạn mở xưởng may gia công với 60 máy may. Xưởng may của chị đã tạo việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập từ 3 đến 8 triệu đồng/tháng. Một năm trừ chi phí cho thu nhập 100 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn nhận đào tạo nghề miễn phí cho chị em và tạo điều kiện để chị em nhận hàng về may tại nhà kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, có thêm đồng lãi hay nguồn tiền nào, chị đều đầu tư sản xuất. Chị Thủy mong muốn trong thời gian tới sẽ mở rộng hơn nữa quy mô của xưởng để tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều chị em khác trên địa bàn.

Nhiều mô hình hay

Chị Hoàng Thị Gấm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cẩm Khê, cho biết, trên địa bàn huyện, nhiều phụ nữ công giáo rất cần cù, chăm chỉ nhưng lại thiếu vốn để phát triển kinh tế. Chính vì vậy, tranh thủ các nguồn vốn của các cấp, Hội LHPN huyện và xã tạo điều kiện cho nhiều hộ phụ nữ công giáo có nhu cầu về vốn được tiếp cận. Đồng thời, vận động chị em chủ động xây dựng nguồn vốn tại chỗ như: Tổ hùn vốn xoay vòng, nhóm phường họ.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Hội LHPN các cấp huyện Cẩm Khê phối hợp giải ngân hơn 48 tỷ đồng nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội cho 1.122 hộ gia đình hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế; hơn 3 tỷ đồng nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo cho hơn 200 lượt hội viên, phụ nữ công giáo vay khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.

Bên cạnh việc huy động các nguồn lực hỗ trợ, Hội còn tập trung khảo sát nhu cầu của hội viên. Đặc biệt, là các hộ khó khăn để tiến hành vận động chị em thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp; hỗ trợ thành lập các tổ liên kết phát triển kinh tế để chị em cùng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn giúp đỡ các chị có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển kinh tế gia đình. Điển hình một số tổ liên kết hoạt động hiệu quả trên vùng đất công giáo như Mô hình tổ liên kết làm nghề đan lát truyền thống của chị em Hội LHPN xã Yên Tập, Ngô Xá; trồng cây gai xanh, trồng cây dược liệu của Hội LHPN xã Phượng Vĩ; trồng dưa chuột của Hội LHPN xã Hương Lung đã tạo công ăn việc làm cho trên 50 hội viên phụ nữ với mức thu nhập bình quân từ 3.500.00 đồng đến 4.500.000 đồng/tháng/người.

Để duy trì, nhân rộng những mô hình, điển hình trong phát triển kinh tế thời gian tới, các cấp Hội LHPN trên địa bàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; phát động cán bộ hội viên, phụ nữ trong toàn huyện nói chung và đặc biệt là chị em vùng công giáo nói riêng thi đua thực hiện phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình" và các hoạt động khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; Hội cũng phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ vùng công giáo; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ hội viên, phụ nữ công giáo tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn