10 năm mở rộng địa giới Thủ đô: Xã Đông Xuân chỉ còn 4 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ

15:42 | 30/07/2018;
Năm 2008, khi bắt đầu sáp nhập vào Hà Nội, xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) là địa phương chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đến nay, Đông Xuân thay đổi vượt bậc và đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới vào năm 2016.
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay của Hội
Bên ngôi nhà 2 tầng khang trang mới xây, chị Hoàng Thị Trinh (thôn Lập Thành, xã Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội) đang che chắn chiếc máy tuốt lúa đặt giữa sân. Cuối sân là khu chuồng bò. Chỉ vào con bò mẹ đang cho con bú, chị Trinh cho biết: “Nhờ con bò của Hội LHPN hỗ trợ mà gia đình tôi thoát nghèo”.
 
10 năm trước, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Hai vợ chồng chị tuy khỏe mạnh nhưng công việc thì ngoài nông nghiệp, lúc nông nhàn chỉ có mỗi nghề đi phụ hồ. Chị về làm dâu, nhà chồng còn đủ cả bà nội của chồng và bố mẹ chồng. Vợ chồng chị lại sinh được 3 con. Cả gia đình 8 miệng ăn, 3 người già cần chăm sóc, 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Lao động chính chỉ có 2 vợ chồng chị. Vậy nên sớm hôm quần quật mà gia đình mãi không thoát khỏi diện hộ nghèo.
Chị Hoàng Thị Trinh thoát nghèo nhờ được vay vốn

 

Năm 2008, xã Đông Xuân từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình) được chuyển về huyện Quốc Oai (Hà Nội).
 
Đại diện các cấp Hội LHPN đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh gia đình chị, khảo sát cho chị vay vốn thoát nghèo bằng đầu tư bò sinh sản. Đêm ấy, vợ chồng chị mất ngủ, thậm chí còn chẳng tin nổi những điều cán bộ Hội nói là sự thật.
 
Lên xóm trên hỏi mua bò, người ta còn chẳng mặn mà vì nghĩ nghèo như vợ chồng chị làm gì có tiền mua.
 
Ngã giá xong, đúng 7 triệu đồng, chị báo lại cho cán bộ Hội. Ngày cán bộ Hội cùng đi với chị xuống thẩm định rồi trao tiền cho chủ bò để chị đưa bò về, chị mới tin mọi chuyện là thật.
 
Có bò, chị ra sức chăm sóc. Được cái, con bò rất mắn đẻ, cứ đều đặn mỗi năm một lứa. Bê đực chị bán được 10 triệu đồng/con, bê cái chị nuôi lớn một chút bán 13 triệu đồng/con. Ngoài ra, chị còn để lại nuôi thêm, đến nay chị có đàn bò 4 con. 10 năm qua, nhờ có đàn bò, chị giải quyết được nhiều việc lớn trong nhà và nuôi 3 con ăn học. 2 con lớn của chị tốt nghiệp đại học, con thứ 3 cũng học xong trung cấp, cả 3 đã có công việc ổn định.
 
Đổi thay sau ngày sáp nhập
Bà Bùi Thị Huề, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Xuân từ năm 2004 đến 2016, kể, việc sáp nhập về Hà Nội đã tạo ra bước ngoặt cho kinh tế - xã hội của địa phương cũng như công tác Hội.
 
Trước ngày sáp nhập, xã thuộc một trong những địa phương xa huyện lỵ nhất của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Toàn bộ đường liên thôn là đường đất, đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa. Giao thông đi lại khó khăn, tuyệt đại đa số người dân sản xuất để tự cung tự cấp, không giao thương buôn bán với bên ngoài được.
 
Cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề. Cả xã có hơn 500 hội viên phụ nữ. 30% hội viên thuộc diện nghèo. Nhưng nguồn vốn vay giảm nghèo chỉ nhỏ giọt, mỗi năm cả xã chỉ được 8 triệu đồng. Bà Huề nhớ lại: “Phân bổ 8 triệu đồng cho 8 hộ nghèo nhất xã vay, mỗi hộ được 1 triệu nên cũng chẳng biết làm gì cho hiệu quả”.
 
Sau ngày sáp nhập, năm 2009, Hội LHPN xã Đông Xuân được phân bổ vốn vay thoát nghèo lên đến 1,3 tỷ đồng. Cùng với đó, Hội LHPN phối hợp với Trung tâm khuyến nông liên tục mở các lớp hướng dẫn chị em kỹ thuật trồng cây, chăn nuôi.
 
Cơ cấu cây trồng vật nuôi cũng được thay đổi rõ rệt. Hai giống cây mới là bưởi Diễn và nhãn muộn Đại Thành được đưa về trồng trên diện rộng. Người dân bắt đầu mở rộng quy mô chăn nuôi, mỗi gia đình trước nuôi 1-2 con lợn, giờ nuôi 9-10 con với kỹ thuật chăn nuôi mới.
 
Bên cạnh đó, Hội LHPN cũng tổ chức các lớp dạy nghề, đặc biệt chú trọng nghề may. Sau khi chị em học nghề cũng là lúc trên địa bàn xã cũng như các xã lân cận có các doanh nghiệp may đi vào hoạt động. Chị em có nghề lập tức được tuyển dụng vào công ty. Những người quá tuổi hoặc muốn làm thêm việc nhà có thể may tại nhà. Một số xưởng may, đầu mối cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ hàng cũng được mở ra.
 
Theo chị Nguyễn Thị Lợi, Chủ tịch Hội LHPN xã, đến nay có khoảng trên 300 chị em làm nghề may ở công ty và tại nhà, thu nhập mỗi người cũng đạt 8-10 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đi trông thấy.
 
Tính đến nay, cả xã chỉ còn lại 4 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, tương đương 0,4%.
 
Năm 2016, xã Đông Xuân đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
 
Cùng với việc nâng cao đời sống cho hội viên, công tác thu hút hội viên cũng được làm tốt hơn. Đến thời điểm này, số hội viên đã tăng gần gấp đôi, lên 900 người.
 
Hiện xã Đông Xuân có hơn 15 ha bưởi Diễn, 11 ha nhãn muộn Đại Thành. Ngoài ra, trong những năm gần đây đã có thêm khoảng 10 mô hình trang trại lợn rừng đặc sản và các mô hình đại gia súc như dê, trâu, bò... Tỷ lệ dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay thông qua Hội lên đến gần 3 tỷ đồng.
 

Tính đến tháng 2/2018, tổng số đầu mối trực thuộc Hội LHPN Hà Nội là 34 đơn vị (trong đó có 30 Hội LHPN quận/huyện/thị xã và 4 đơn vị trực thuộc), 797 tổ chức cơ sở Hội, 5.761 chi, 15.488 tổ phụ nữ với 860.662 hội viên, tăng 19,02% so với thời điểm hợp nhất (tháng 8/2008 là 723.136 hội viên).

Trong 10 năm qua, các cấp Hội toàn thành phố đã giúp 34.161 hộ phụ nữ làm chủ thoát nghèo, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn