Phương pháp Montessori không còn là cái tên xa lạ đối với nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ ở độ tuổi mầm non. Phương pháp giáo dục này xuất phát từ Maria Montessori.
Bà Montessori sinh năm 1870 tại Italia. Bà tốt nghiệp Y khoa, Đại học Roma năm 1894. Năm 1899, người phụ nữ này bắt đầu nghiên cứu các vấn đề giáo dục trẻ em do bác sĩ E.Seguin khởi xướng. Sau đó bà nhận thấy các phương pháp giảng dạy cho trẻ có vấn đề về tinh thần cũng có thể áp dụng đối với những đứa trẻ bình thường. Sau đó, bà đã đưa những nghiên cứu của mình thử nghiệm với các trẻ nhỏ ở các trường tư và công lập ở Roma. Việc làm này của bà nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhà giáo dục cấp tiến.
Năm 1906, người phụ nữ này đã từ bỏ công việc của một giáo sư đại học và bác sĩ y khoa để dành toàn bộ tinh thần, thời gian chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ trong một khu lao động nghèo khổ nhất thủ đô Roma, đây cũng chính là mô hình đầu tiên của "Nhà trẻ thơ" ("Casa Dei Bambini") được bà sáng lập vào năm 1907.
Căn nhà này đã đi vào lịch sử khi trở thành cái nôi của Phương pháp giáo dục Montessori nổi tiếng toàn cầu như hiện nay.
Montessori là phương pháp trẻ học tập thông qua các giáo cụ trực quan. Điểm nổi bật của Montessori là chấp nhận cá tính riêng biệt của trẻ. Đề cao tính tự lập, tự do có kỷ luật của trẻ. Tôn trọng sự phát triển tự nhiên, cũng như trang bị đầy đủ cho trẻ các kỹ năng cơ bản cần thiết.
Dù là ở trường học hay ở nhà, trẻ luôn được khuyến khích phát triển năng khiếu tự nhiên. Không phải tuân theo một khuôn mẫu sẵn có nào. Bởi vì trẻ chỉ có thể học tập và phát triển tốt nhất khi được tự do hoạt động.
1. Một đứa trẻ thường xuyên bị chỉ trích, con sẽ học được cáсh lên án người khác. Chê bai người khác chưa bao giờ là cáсh giúp trẻ tiến bộ.
2. Nếu một đứa trẻ được khen ngợi không đúng cáсh, con sẽ cảm thấy ít phải cố gắng. Hãy khen con, nhưng đừng khen chung chung. Hãy khen đúng, khen cả quá trình, sự nỗ lực và chỉ ra đúng là con đã làm tốt cụ thể điều gì.
3. Nếu bạn trung thực với một đứa trẻ, con sẽ học được ý nghĩa của sự công bằng. Đừng bao giờ nói dối hay lấp liếm bất cứ điều gì trước mặt trẻ.
4. Nếu một đứa trẻ thường xuyên bị nhạo báng, con sẽ trở nên nhút nhát. Một lần nữa, trêu chọc và so sánh không làm trẻ tự tin hơn.
5. Nếu một đứa trẻ luôn cảm thấy an toàn, con sẽ học được cáсh tin tưởng người khác. Niềm tin là điều mẹ cần cố gắng giúp con đạt được trong cuộc sống, chỉ bằng cáсh cho con sự an toàn.
6. Nếu một đứa trẻ thường xuyên bị hạ nhục, con sẽ luôn cảm thấy có lỗi. Thường xuyên phê phán trẻ sẽ không giúp trẻ tiến bộ mà chỉ khiến cho trẻ hình thành tâm lý mắc tội.
7. Nếu một đứa trẻ được khuyến khích thường xuyên, con sẽ có lòng tự trọng cao. Lòng tự trọng là nền tảng cần thiết để đứa trẻ tiến từng bước tiến thành công trong cuộc sống.
8. Nếu một đứa trẻ được hỗ trợ, con sẽ tự tin. Dù là những ý tưởng hoang đường hay một giấc mơ phi lý, sự ủng hộ của bố mẹ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho trẻ.
9. Đừng bao giờ nói xấu về một đứa trẻ, dù là trước mặt hay sau lưng. Nói xấu trẻ là bạn đang hủy hoại cố gắng và sự tự tin vươn tới con người hoàn thiện hơn ở trẻ.
10. Tập trung nuôi dưỡng những điều thiện trong con. Bằng cách đó, sẽ không có chỗ cho sự xấu nảy mầm. Việc đẩy lùi mọi thói xấu cho trẻ phụ thuộc vào chính bố mẹ.
11. Luôn luôn lắng nghe và trả lời các câu hỏi của trẻ khi con cần. Nhiều cha mẹ vì quá bận rộn mà thờ ơ bỏ qua những câu hỏi "ngô nghê", những yêu cầu nhỏ nhặt của trẻ mà không ngờ sẽ vô tình đẩy con ra xa mình.
12. Tôn trọng một đứa trẻ ngay cả khi con phạm sai lầm. Con sẽ có thể sửa sai đủ nhanh. Hãy học cáсh tôn trọng con cả khi con làm điều gì đó sai trái. Điều nàу có thể giúp con nhận ra sai lầm và sửa lại cho đúng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn