15 năm lan tỏa những giá trị nhân văn của Quỹ "Mãi mãi tuổi 20"

18:41 | 16/08/2020;
Sau 15 năm thành lập, Quỹ Mãi mãi tuổi 20 không chỉ thực hiện hoạt động thiện nguyện tri ân và tôn vinh những người đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc mà còn góp phần dựng xây, vun đắp những yêu thương, lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp hơn cho cộng đồng và xã hội.

Hôm nay, 16/8, kỷ niệm tròn 15 thành lập Quỹ Mãi mãi tuổi 20. Nhà thơ Đặng Vương Hưng - người khởi xướng và đồng sáng lập Quỹ - cho biết: Sau sự kiện xuất bản 2 cuốn nhật ký chiến trường nổi tiếng Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Nhật ký Đặng Thùy Trâm của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm năm 2005, Quỹ Mãi mãi tuổi 20 đã ra đời theo đề xuất của một nhóm các cựu chiến binh và văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô Hà Nội. Mục đích của Quỹ là tiếp tục duy trì phong trào "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20" của các cựu chiến binh và thế hệ trẻ Việt Nam.

Quỹ Mãi mãi tuổi 20 do nhà thơ, cựu chiến binh Phạm Tiến Duật (1941 - 2007) làm Chủ tịch Hội đồng Quản lý đầu tiên. Chủ tịch kế nhiệm là Anh hùng Lao động, Trung tướng nhà văn Hữu Ước. Chủ tịch đương nhiệm là TS, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung trướng Đoàn Sinh Hưởng (nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu IV).

Với tinh thần Khát vọng - Nghị lực - Cống hiến, trong 15 năm qua, bước chân của các thành viên Quỹ Mãi mãi tuổi 20 đã in dấu ở hầu khắp mọi Tổ quốc, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa; trong những ngày kỷ niệm lịch sử, truyền thống, trở lại chiến trường xưa, hay về nguồn, kể cả sau những đợt thiên tai, lũ lụt…

15 năm lan tỏa những giá trị nhân văn của Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" - Ảnh 1.

Lễ khánh thành tháp Tri Ân "Mãi mãi tuổi 20" tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn năm 2019

Để tinh thần tiếp lửa truyền thống được cháy mãi trong thế hệ trẻ, Hội đồng Quản lý Quỹ đã có sáng kiến thành lập CLB Ngọn lửa tuổi 20 do sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội làm nòng cốt. Hàng trăm sinh viên đã cùng các cựu chiến binh tham gia các chuyến đi về chiến trường xưa. Hoạt động đó, không chỉ góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống mà còn xây dựng nhân cách, nhận thức và trách nhiệm của giới trẻ trong cuộc sống hòa bình hôm nay.

Một trong những hoạt động độc đáo của Quỹ Mãi mãi tuổi 20 là liên tục tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản các tác phẩm trong Tủ sách Mãi mãi tuổi 20. Hiện tủ sách đã có hàng trăm cuốn sách tư liệu vô giá. Trong đó, tiêu biểu là tác phẩm Những lá thư thời chiến Việt Nam – Tuyển tập năm 2015, bộ sách đồ sộ Nhật ký thời chiến Việt Nam năm 2020… Cùng với sách in, hàng ngàn bản pdf nội dung của bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam đã được gửi tặng miễn phí đến các các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo, các CCB và bạn đọc rộng rộng trên cả nước.

Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" - 2020

Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" - 2020

"Sự thành công của Quỹ Mãi mãi tuổi 20, không chỉ là việc huy động số tiền xã hội hóa nhiều tỷ đồng để phục vụ các hoạt động thiện nguyện tri ân và tôn vinh những người đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc; lớn hơn thế nữa là mang tinh thần của các Anh hùng – Liệt sĩ đã hy sinh xương máu trong chiến tranh, mang tình cảm của các cựu chiến binh đến với cuộc sống hòa bình hôm nay; góp phần dựng xây, vun đắp những yêu thương, lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp hơn cho cộng đồng và xã hội. Tinh thần ấy là từ ngọn lửa nhiệt huyết của các cựu chiến binh và tuổi trẻ. Tình cảm ấy chỉ có thể là từ trái tim đã chạm tới và kết nối các trái tim của cả triệu người Việt Nam đã đi qua chiến tranh và yêu cuộc sống hòa bình hôm nay. Đó chính là "Trái tim Người lính"!", nhà thơ Đặng Vương Hưng nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn