2 người tử vong tại BV Trí Đức: 'Truy' chất lượng thuốc gây mê

15:43 | 26/12/2016;
Trước khi 2 bệnh nhân tử vong sau gây mê, nhiều bệnh nhân khác phẫu thuật tại BV Đa khoa Trí Đức (Hà Nội) cũng dùng thuốc này nhưng không sao. Sở Y tế đang làm việc với nhà sản xuất để làm rõ vấn đề chất lượng cũng như cung cấp thuốc cho BV.
Trưa ngày 26/12, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đã có thông tin với báo chí về vụ việc 2 bệnh nhân tử vong tại BV Trí Đức.

Theo bà Hà, trước ngày 25/12, hai bệnh nhân này được khám và điều trị tại BV Trí Đức. Đến sáng ngày 25/12, họ mới đến BV để làm phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi tiền mê khoảng 30 phút, hai bệnh nhân đã có biểu hiện lơ mơ, lú lẫn, mất ý thức... Các bác sĩ đã hồi sức ngay tại phòng mổ, sau đó đã chuyển đến BV Bạch Mai cấp cứu, nhưng cả hai đã tử vong sau đó 2 tiếng. Các bác sĩ nghi ngờ khả năng do sốc phản vệ. Tuy nhiên, để có kết luận chính thức thì cần phải có điều tra và khám nghiệm pháp y. Dự tính sau 4 tuần nữa sẽ có kết luận của cơ quan pháp y và bên cơ quan điều tra sẽ cung cấp thông tin này.
15776622_912391125565221_926970112_o.jpg
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội
- Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do thuốc không đảm bảo, quan điểm của bà như thế nào?

Bà Trần Thị Nhị Hà: Hai bệnh nhân này cũng dùng những loại thuốc giống nhau, chỉ khác về số lượng vì cân nặng mỗi người mỗi khác. Cụ thể: Bệnh nhân Quách Thị Mai P. được tiêm Atropine 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg (tiền mê). Sau đó 15 phút có sử dụng tiếp 100mg Diprivan và 30mg Esmeron. Còn bệnh nhân Hoàng Văn T. được tiêm Atropin 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg (tiền mê). Sau 15 phút, bệnh nhân được sử dụng tiếp 120mg Diprivan và 30mg Esmeron. 

Như vậy, hai bệnh nhân này dùng những loại thuốc giống nhau, chỉ khác về số lượng bởi cân nặng của họ khác nhau. Qua kiểm tra, BV đã cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ về số thuốc này. Đây đều là những loại thuốc thông thường, được nhiều BV sử dụng. Thuốc cũng được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm quy định.

Trước đó, đã có nhiều người bệnh được BV sử dụng những loại thuốc trên, nhưng không xảy ra tai biến gì. Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đang làm việc với nhà sản xuất để làm rõ vấn đề chất lượng cũng như cung cấp thuốc cho BV. Đồng thời, xin ý kiến của Bộ Y tế về vấn đề này.

- Hiện nhiều người cho rằng, có 3 ca phẫu thuật bị tai biến trong sáng 25/12, trong đó có 2 trường hợp tử vong, 1 trường hợp vẫn đang được cấp cứu. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?

Bà Trần Thị Nhị Hà: Qua làm việc với BV và cơ quan công an, chúng tôi ghi nhận có hai trường hợp thực hiện phẫu thuật sáng ngày 25/12 và hai ca phẫu thuật này làm song song cùng một lúc. Như vậy, thông tin một bệnh nhân đang cấp cứu là chưa chính xác.  

- Có ý kiến cho rằng, 2 nhân viên tham gia kíp gây mê không có tên trong danh sách cán bộ của BV. Thông tin trên có đúng không, thưa bà?

Bà Trần Thị Nhị Hà: Hai trường hợp không có tên trong danh sách nhân sự của BV gửi lên Sở Y tế là kỹ thuật viên gây mê Phạm Thị Hương và nhân viên dụng cụ Bùi Thị Kim Oanh. Qua kiểm tra thì được biết cả hai đều là điều dưỡng viên, một người có chứng chỉ điều dưỡng viên gây mê, còn một người chỉ là điều dưỡng dụng cụ. Tuy nhiên, 2 nhân viên y tế này không trực tiếp can thiệp trên người bệnh. Đồng thời phía BV đã xuất trình được hợp đồng thử việc của hai nhân viên này. 

Xin cảm ơn bà!

Một bác sĩ tại BV Nhi TƯ cho biết, sốc phản vệ do gây mê được ước tính 1/10.000 đến 1/25.000 bệnh nhân. Tỉ lệ tử vong do sốc phản vệ gây mê được ước tính tối đa 3%. Như vậy xác suất 2 bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ trong cùng một buổi sáng tại một BV là vô cùng thấp... vì vậy, cần phải kiểm tra lại loại thuốc mà bác sĩ BV Đa khoa Trí Đức đã dùng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn