Dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới, khiến cho nhiều người bị giảm sút thu nhập, thậm chí là mất việc. Trong khi đó, họ vẫn cần tiền để duy trì cuộc sống, chăm sóc con nhỏ và người già, áp lực kinh tế đè nặng lên nhiều người.
Fidelity Investments, tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia kiêm nhà môi giới khổng lồ của Mỹ, mới đây đã tiến hành cuộc khảo sát đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với tình hình tài chính của phụ nữ nói riêng và của người dân nói chung.
Theo kết quả khảo sát đăng tải trên CNBC, 70% số phụ nữ được hỏi cho biết họ đang gặp áp lực về tài chính vì tình hình dịch bệnh. 60% trong số đó gặp áp lực nặng nề, chủ yếu đến từ nỗi lo chi tiêu hàng ngày và sức khỏe thể chất, tinh thần của con cái họ.
Rõ ràng việc quản lý tài chính khôn khoan với sự chuẩn bị chu đáo từ trước rất quan trọng nếu có biến cố xảy đến, ví dụ như dịch bệnh. Theo các chuyên gia tài chính của Fidelity, để thoát khỏi áp lực tiền bạc nếu chẳng may dịch bệnh xảy ra, bạn cần thực hiện 3 bước quan trọng sau đây:
Nếu có một điều có thể học được từ đại dịch, thì đó là việc chuẩn bị sẵn một lượng tiền mặt khẩn cấp thật sự vô cùng quan trọng.
Lorna Kapusta, trưởng bộ phận phụ nữ và khách hàng tại Fidelity Investments cho biết, mỗi người hãy tích lũy chi phí sinh hoạt từ 3 đến 6 tháng. Chẳng may bị mất việc làm hoặc gặp phải trường hợp khẩn cấp đột xuất, bạn vẫn có tiền để trang trải cuộc sống, vượt qua khó khăn.
Cô cũng nói rằng một số chị em chuẩn bị số tiền sinh hoạt đủ cho cả 1 năm trong quỹ khẩn cấp, họ nghĩ như vậy sẽ yên tâm hơn. Thực ra số tiền trong quỹ dự phòng không được quy định cụ thể, bạn có thể quyết định tùy theo hoàn cảnh và khả năng cá nhân. Nhiều người chọn cách cắt giảm một số chi tiêu trong năm để gửi vào quỹ dự phòng này, đều được cả, hãy làm những gì bạn thấy thoải mái và phù hợp với bản thân.
Không bao giờ là quá sớm để xây dựng kế hoạch nghỉ hưu, bạn có thể thực hiện điều đó ngay từ lúc mới đi làm. Khi bạn chuẩn bị kế hoạch nghỉ hưu sớm thì chi phí đầu tư sẽ càng giảm.
Kapusta đề xuất nên trích 10% tiền lương hàng tháng gửi vào quỹ hưu trí, lý tưởng hơn có thể là 15%. Quỹ nghỉ hưu này không đơn thuần chỉ là chuẩn bị tài chính cho bạn khi nghỉ hưu, nó còn có tác dụng rất lớn nếu biến cố xảy ra, chẳng hạn như giữa tình hình đại dịch này. Rõ ràng nếu có một khoản tiền phòng xa, áp lực tài chính lúc này sẽ giảm bớt rất nhiều.
Cô cho biết những phụ nữ đang tiết kiệm 10% lương trở lên cảm thấy ít căng thẳng hơn về tương lai tài chính của bản thân.
Kapusta nhận định, dù có mức lương nhiều hay ít thì bạn vẫn phải xây dựng kế hoạch và lộ trình tài chính thiết thực cho bản thân cũng như gia đình.
Cô giải thích: “Ngày hôm nay bạn cần phải biết mình muốn gì trong 5 năm tới, thậm chí là sau cả 30 năm nữa”. Khi đã suy nghĩ kỹ về điều mình muốn, bạn hãy trả lời câu hỏi: “Tôi cần làm gì và tiền của tôi phải được thiết lập thế nào để đạt tới mục tiêu?".
Kapusta cũng nhấn mạnh, bất kể mục tiêu của bạn là gì, cao hay thấp thì cũng phải xây dựng những kế hoạch cụ thể và thực tế, sau đó từng bước cố gắng đạt được chúng. Điều đó phù hợp với mọi thứ, từ mục tiêu ngắn hạn hay mục tiêu dài hạn.
"Bạn cần biết tiền của bản thân đến từ đâu và sử dụng vào chỗ nào, sau đó phải làm cho tiền ngày càng sinh lợi. Như vậy bạn mới có thể giảm bớt áp lực tài chính cho bản thân trong hiện tại và tương lai”, Kapusta kết luận.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn