3 kỹ năng giúp con kiềm chế cơn kích động

15:33 | 17/06/2019;
Bé Nguyễn Thanh Hải, 5 tuổi (Biên Hòa, Đồng Nai) rất thích gây gổ, chơi với ai một lúc là bị kích động, và kết thúc cuộc chơi bao giờ cũng là một trận đánh nhau. Bé là người hùng hổ, gây nhiễu đầu tiên, nhưng lúc nào cũng ầm ĩ, mặt mày bừng bừng giống như mình bị oan ức lắm.

Muôn ngàn lý do khiến trẻ dễ bị kích động

Gia đình là cái nôi ươm mầm, nuôi dưỡng và giáo dục các phẩm chất nhân cách của mỗi cá nhân. Hiện nay, hầu hết các gia đình có 1 - 2 con, dù không phải quá thiếu thốn về mặt vật chất, nhưng trẻ thường cảm thấy rất cô độc ngay chính trong nhà mình.

Chính trạng thái cảm xúc đó, khiến trẻ dễ bị phản ứng thái quá để tự vệ. Không ít bậc phụ huynh nhầm tưởng cho con cuộc sống đủ đầy, con thích gì được nấy thì quá hạnh phúc rồi làm gì có chuyện cô đơn, buồn tủi. Cha mẹ luôn bận rộn hoặc ít quan tâm nên trẻ luôn cảm thấy thiếu an toàn. Từ đó nảy sinh tâm lý phản kháng một cách tiêu cực, luôn muốn “động thủ” khi có dấu hiệu mất mát cho bản thân.

tranh-cai.jpg
Ảnh minh họa

 

Nếu một đứa trẻ thường xuyên chịu ảnh hưởng của lối ứng xử bạo lực từ phía cha mẹ, thích xem phim hoạt hình bạo lực, chơi các game online về bắn, chém nhau… sẽ khiến chúng có lối suy nghĩ cực đoan rằng chỉ có dùng bạo lực mới giải quyết được vấn đề. Và như thế, trẻ dễ bị kích động bởi bất kỳ lý do nào.

Tâm lý của một đứa trẻ là “báu vật” của gia đình khi được cha mẹ quá bảo bọc mong gì được nấy nên cách hành xử cũng rất ích kỷ, độc đoán, coi thường cảm giác của người khác, sẵn sàng “phùng mang, trợn má” với bất cứ ai. Khi nhu cầu chưa được đáp ứng kịp thời, trẻ sẽ bị kích động và đập phá hay gây sự với đối tượng nào đó.

Có một số trẻ sinh ra có tính cách quá nhạy cảm, dễ bị kích động ngay với những gì thân thiết hằng ngày của chúng như con vật nhỏ, thậm chí là với đồ chơi của mình. Chúng có thể gây ra hành vi bạo lực bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào và với bất kỳ lý do gì.

Giúp con kỹ năng kiềm chế bản thân

Trẻ dễ kích động sẽ lệch lạc nhân cách nếu không được uốn nắn, điều chỉnh kịp thời. Vì thế, để giáo dục trẻ phát triển nhân cách toàn diện, cha mẹ cần hết sức chú ý giúp trẻ rèn kỹ năng kiềm chế, kiểm soát hành vi. Nhưng cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì vì đó là một quá trình lâu dài và đầy thử thách. Thực hiện giáo dục càng sớm càng tốt, nếu để đến khi trẻ bước vào tuổi dậy thì mới trang bị kỹ năng kiềm chế bản thân là đã quá muộn. Trong mọi tình huống xảy ra, cha mẹ cần hết sức điềm tĩnh uốn con từng bước một.

Thứ nhất, cha mẹ giáo dục trẻ các nguyên tắc giao tiếp. Cha mẹ cần rèn trẻ trở thành người biết tôn trọng nhân cách người giao tiếp với mình, biết trật tự kỷ cương, thông qua việc chấp hành các nội quy của gia đình. Giáo dục chúng hiểu rằng trong mối quan hệ với mọi người không được xem thường hay xúc phạm người khác, cần có thiện chí, chia sẻ và yêu thương lẫn nhau.

Tiêu chí đầu tiên của một người lương thiện là không làm tổn thương người khác. Thống nhất với trẻ là muốn đạt được mục đích phải chân thành, luôn có thái độ hợp tác. Một người muốn hòa đồng, được người khác quý mến, tôn trọng là người biết ứng xử nhẹ nhàng, mềm mỏng.

Hãy chỉ ra cho trẻ thấy việc gì nên làm và không nên làm. Nếu trẻ vi phạm một quy ước nào của gia đình thì nên xử lý kịp thời, nghiêm khắc. Như thế, trẻ mới nhận thấy mình đã sai và không làm cha mẹ phiền lòng.

Nếu trẻ tiếp tục phạm sai lầm thì nên đưa ra biện pháp mạnh hơn như cấm con không được chơi với ai trong thời gian nhất định, trao đổi với trẻ hướng giải quyết, cho trẻ cơ hội. Hướng dẫn trẻ biết cách sẵn sàng điều chỉnh bản thân theo những đòi hỏi chính đáng của đối tượng giao tiếp.

tranh-cai-2.jpg
Ảnh minh họa

 

Thứ hai, tạo điều kiện cho trẻ sống trong môi trường lành mạnh, vui vẻ. Không ít những đứa trẻ dễ bị kích động là do luôn lủi thủi một mình, tự ti, không có ai chia sẻ hoặc do chứng kiến cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt” của gia đình. Do đó, dù có những mâu thuẫn trong gia đình, phụ huynh cũng cần hết sức kiềm chế để không xảy ra những cảnh bạo lực trước mặt con.

Chủ động kiểm soát nội dung các chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng như trên ti vi, internet… đậm màu bạo lực. Trẻ hoàn thiện nhân cách chủ yếu là qua bắt chước, noi theo. Những hình ảnh dễ kích động trên phim ảnh hay cảnh cha mẹ cãi nhau đều là những biểu tượng xấu để trẻ làm theo. Nhất là đối với đứa trẻ có kiểu khí chất nóng nảy, hung hãn, thích gây hấn thì cha mẹ nên giảm bớt các yếu tố tác động dẫn tới hành vi bạo lực như hành vi hống hách, độc đoán…

Cần dạy cho trẻ một số kỹ năng xã hội phù hợp như cách để tham gia chơi và làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý các xung đột trong nhóm… Cha mẹ đưa trẻ vào một số tình huống cụ thể, luyện cho chúng cách xử lý hài hòa nhất.

Thứ ba, cha mẹ khéo léo phối hợp nhiều phương pháp giáo dục khác nhau. Trong giáo dục con trẻ, không có phương pháp giáo dục nào là vạn năng. Do đó, cha mẹ nên kết hợp nhiều phương pháp khác nhau kiểu “mềm nắn, rắn buông”. Khi trẻ mới có dấu hiệu bị kích động thì nhắc nhở, răn đe. Nhưng phản ứng thiếu kiềm chế nhiều lần thì thay vì thuyết phục, dỗ dành nhẹ nhàng phải sử dụng phương pháp xử phạt nghiêm khắc.

Khuyến khích trẻ tâm sự những áp lực hay bức xúc trong lòng để giải tỏa những xung năng ở trẻ. Hướng trẻ vào các môn thể thao như chạy bộ, bơi lội, đạp xe… để giải phóng những năng lượng trong cơ thể.

Cha mẹ nên giải quyết mọi vấn đề, trong đó có vấn đề giáo dục con cái khi thật sự bình tĩnh, sáng suốt. Làm gương cho trẻ cách kiểm soát cảm xúc của bản thân trước những điều kích động.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn