3 tiêu chí để đánh giá chất lượng 'Sữa học đường'

16:58 | 26/09/2018;
PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học, Viện Dinh dưỡng - cho biết, luôn có 3 tiêu chí để đánh giá sự an toàn của sản phẩm 'Sữa học đường'. Việc kiểm tra các tiêu chí này sẽ được sát sao đến từng lô sản xuất sữa.

Hà Nội có thời gian để chuẩn bị kỹ

Chia sẻ với báo chí về đề án “Sữa học đường” tại Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị Nhung khẳng định rằng, việc kiểm soát an toàn thực phẩm được thực hiện rất chặt chẽ, rõ ràng với các tiêu chí cụ thể.

Theo bà Nhung, điều đầu tiên phải kể đến là bản thân sản phẩm sữa được lựa chọn phải là sản phẩm an toàn, có uy tín, thứ hai là các tiêu chí về vi sinh phải cụ thể hóa, và tiêu chí cuối cùng là các chỉ số hóa học có trong sản phẩm sữa khá chuyên biệt này.

nhung.JPG
PGS.TS Bùi Thị Nhung thông tin thêm về an toàn thực phẩm đối với "Sữa học đường". Ảnh: D.H
 
 

“Nếu như cơ quan chức năng kiểm tra đầy đủ những tiêu chí đó thì phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm là sản phẩm sữa sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm, vì an toàn thực phẩm có những tiêu chí riêng đã được quy định rất rõ”.

Liên quan đến việc sữa có ảnh hưởng đến trẻ em không thể dung nạp được Lactogen, bà Nhung cho hay việc này cần được kiểm tra cụ thể các bé, trong đó có những bé chưa uống sữa bao giờ hoặc trẻ ít uống sữa, từ đó tập dần cho các bé làm quen với sữa.

“Tôi được biết các địa phương ở Hà Nội đã tham gia họp với các quận, huyện, trong đó đã truyền thông rất rõ cho các hiệu trưởng hiểu. Trước khi triển khai cũng sẽ có các cuộc tập huấn tại 30 điểm. Các bước làm đều có thời gian chuẩn bị kỹ càng nên phụ huynh cũng sẽ dần hiểu hơn về chương trình” - Bà Bùi Thị Nhung thông tin thêm.

Tránh béo phì, dậy thì sớm?

PGS.TS Bùi Thị Nhung cũng khẳng định, Viện Dinh dưỡng đã nghiên cứu bữa ăn học đường của Nhật Bản và tham khảo mô hình nhiều nước khác.

Khảo sát thực tế cũng cho thấy tỷ lệ thiếu máu của học sinh thành phố là 20%-25%; tỷ lệ thiếu kẽm là 50% ở học sinh thành phố, 70% học sinh nông thôn, 80% học sinh miền núi... nên đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định 09 về bổ sung vi chất cho học sinh, là căn cứ để triển khai chương trình sữa học đường này.

4-nguyen-nhan-me-can-cho-con-uong-sua-moi-ngay.jpg
Sữa vẫn là thực phẩm cần thiết cho sự phát triển của trẻ, theo PGS.TS Bùi Thị Nhung. Ảnh minh họa
 

“Không phải cứ trẻ em thành phố là đủ chất, và sữa cũng không gây bệnh béo phì, khi chưa một nghiên cứu khoa học nào chỉ ra mối liên hệ giữa 2 điều này. Sữa vẫn là một trong 8 nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Chương trình Sữa học đường không tăng thêm năng lượng khiến học sinh bị béo phì” - bà Nhung thông tin.

Các con số được Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị trẻ sử dụng là trẻ mầm non nên sử dụng 3-4 đơn vị sữa một ngày, trẻ 6-7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa, trẻ 9-11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa một ngày.

Theo bà Nhung, nhiều phụ huynh mắc sai lầm là khi thấy con béo phì liền cắt khẩu phần sữa của con. Thực tế, các thực phẩm như bánh bao, bánh giò, xôi đều có lượng calories nhiều hơn sữa.

“Trẻ béo phì không phải do sữa mà bởi nếp sống chuộng đồ ăn nhanh. Một hộp sữa trong bữa phụ sẽ tốt hơn chiếc bánh quy, bánh giò hay bánh rán. Việc dậy thì sớm của trẻ liên quan hormone tồn dư trong rau, thịt gà, thịt lợn của bữa ăn hàng ngày hơn là chỉ đơn thuần do sữa” - PGS.TS Bùi Thị Nhung nói. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn