4 lưu ý giúp bạn tránh xa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

07:17 | 20/11/2020;
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh lý đường hô hấp rất phổ biến hiện nay, đặc trưng bởi các triệu chứng như khó thở, ho khạc đờm kéo dài,... Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một bệnh lý không thể đảo ngược, do đó dự phòng bệnh sớm được cho là cách hiệu quả và an toàn nhất để hạn chế tác hại của bệnh.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh gây nên bởi sự tổn thương kéo dài đường dẫn khí trong phổi, làm các đường dẫn khí bị thu hẹp gây nên các triệu chứng của bệnh.

Đây là một tiến trình không thể đảo ngược, có nghĩa rằng khi đã bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì việc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn là điều không thể. Vì thế, biện pháp tốt nhất để ngăn chặn các tác hại của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là phòng ngừa sớm và không cho bệnh có cơ hội xuất hiện.

Một số biện pháp phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính:

4 lưu ý giúp bạn tránh xa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) - Ảnh 1.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh lý hô hấp rất phổ biến hiện nay (Ảnh: Internet)

1. Bỏ thuốc lá

Thuốc lá được cho là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hiện nay, vượt trội rất nhiều so với các nhóm nguyên nhân khác. Khói thuốc lá có chứa nhiều chất độc hại khác nhau như nicotin, asen, benzen, fomaldehyde,... có thể gây tổn thương đường dẫn khí khi khói thuốc đi vào cơ thể.

Người ta thống kê rằng, có khoảng 15% số người nghiện thuốc lá có biểu hiện triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và có đến 80-90% số lượng người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có tiền sử hút thuốc lá kéo dài. Cũng cần lưu ý rằng, khái niệm hút thuốc lá lâu năm mà chúng ta đang đề cập ở đây không phải chỉ để nói đến bản thân người hút thuốc mà còn bao gồm cả những người hít phải khói thuốc một cách thụ động khi ở xung quanh người hút thuốc lá.

Vì vậy, không sử dụng thuốc lá hoặc bỏ thuốc lá là một trong các biện pháp dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính quan trọng nhất. Sau khi bỏ thuốc lá trên 5 năm, nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ giảm xuống đáng kể và khi bỏ trên 15 năm thì nguy cơ sẽ giảm dần về mức gần với người bình thường.

Việc bỏ thuốc trong thời gian đầu có thể khó khăn đối với những người nghiện thuốc lá lâu năm. Do đó để có thể bỏ được thuốc lá thì cần có sự kiên trì và nếu cần thiết thì có thể sử dụng một số sản phẩm có chứa nicotin thay thế dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế nhằm giảm sự mong muốn hút thuốc sẽ giúp quá trình bỏ thuốc diễn ra dễ dàng hơn.

4 lưu ý giúp bạn tránh xa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) - Ảnh 2.

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Ảnh: Internet)

2. Tránh các môi trường ô nhiễm

Cùng với sự phát triển của đời sống, dân số, hoạt động sản xuất,... áp lực gia tăng lên môi trường tự nhiên cũng ngày càng lớn. Điều này khiến cho môi trường trở nên ngày càng ô nhiễm, trong đó có tình trạng ô nhiễm không khí.

Hít thở trong bầu không khí ô nhiễm trong thời gian lâu dài có thể khiến đường thở bị tổn thương bởi các tác nhân gây hại có trong không khí, từ đó gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Vì thế, để có thể phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì một điều nữa cần nhớ chính là nên tránh tiếp xúc thường xuyên với các môi trường ô nhiễm.

Tất nhiên, sẽ có những yếu tố nhất định khiến chúng ta khó có thể thay đổi môi trường sống ngay lập tức nếu nơi chúng ta sống đang bị ô nhiễm. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta vẫn có thể khắc phục bằng một số biện pháp chẳng hạn như hạn chế đi ra ngoài, đeo khẩu trang mỗi khi rời khỏi nhà, và nên tránh đi ra ngoài vào các khung giờ cao điểm để tránh khói bụi,...

4 lưu ý giúp bạn tránh xa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) - Ảnh 3.

Tránh xa môi trường ô nhiễm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Ảnh: Internet)

3. Thực hiện tốt các biện pháp bảo hộ lao động

Trong một số nghề nghiệp như công nhân khai thác mỏ, công nhân xây dựng, người vận hành các thiết bị xay xát,... là những công việc thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi và hóa chất độc hại khi làm việc. Điều này khiến nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở những đối tượng này cũng gia tăng một cách đáng kể.

Vì vậy, thực hiện tốt các biện pháp bảo hộ lao động như đeo khẩu trang, mặt nạ khi làm việc, đảm bảo yêu cầu không khí trong khu vực làm việc là điều cần thiết để phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Ngoài ra, ở những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cao do yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp thường xuyên thì người lao động nên được kiểm tra chức năng hô hấp định kỳ để phát hiện sớm bệnh nếu có.

4 lưu ý giúp bạn tránh xa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) - Ảnh 4.

Người làm việc trong môi trường nhiều khói bụi cần được tranh bị bảo hộ lao động đầy đủ để phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Ảnh: Internet)

4. Tầm soát các yếu tố di truyền

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không phải là bệnh chỉ gây nên bởi các yếu tố tác động từ bên ngoài như khói thuốc, bụi bặm,... mà nó còn có thể gây nên bởi sự khiếm khuyết một số yếu tố do di truyền, đặc biệt là 1-antitrypsin.

1-antitrypsin là một chất có khả năng chống lại sự hoạt động của enzm elastase (là một enzym có khả năng tiêu hủy protein từ đó làm tiêu hủy màng phế nang và tổn thương phổi). Sự thiếu hụt 1-antitrypsin là do yếu tố di truyền gây nên vì thế nó thường có yếu tố gia đình và bệnh nhân thường có biểu hiện sớm, nặng nề.

Do đó, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có cha mẹ bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đặc biệt là cha mẹ đã mắc bệnh từ lúc tuổi trẻ thì nên được tầm soát sớm sự có mặt của 1-antitrypsin trong cơ thể. Nếu phát hiện sớm sự thiếu hụt 1-antitrypsin thì người bệnh có thể được chăm sóc bởi các chiến lược y tế thích hợp ngay từ đầu, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý do thiếu 1-antitrypsin gây nên.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn