4 sai lầm tai hại khi điều trị hen phế quản mà người bệnh cần nhớ

16:10 | 03/03/2020;
Điều trị hen phế quản là một quá trình lâu dài và phức tạp để có thể đạt được hiệu quả kiểm soát hen tốt nhất. Một số quan niệm sai lầm khi điều trị hen phế quản có thể khiến quá trình điều trị giảm hiệu quả, gây nguy hiểm cho người bệnh.

Hen phế quản là bệnh lý đường hô hấp mãn tính, với đặc điểm viêm mãn tính niêm mạc phế quản khiến phế quản dễ bị kích thích hơn khi tiếp xúc với một số tác nhân dẫn đến tình trạng co thắt phế quản.

Điều trị hen phế quản là một quá trình phức tạp, lâu dài để có thể đạt được hiệu quả điều trị và kiểm soát hen tốt. Tuy nhiên, một số sai lầm trong quá trình điều trị có thể khiến điều trị giảm hiệu quả, hay thậm chí là gây nguy hiểm cho bệnh nhân. 

Một số quan niệm sai lầm cần tránh khi điều trị hen phế quản mà bệnh nhân nên nhớ:

1. Chỉ sử dụng thuốc điều trị hen phế quản khi có triệu chứng

Rất nhiều người cho rằng, các loại thuốc điều trị hen phế quản chỉ cần được sử dụng khi cơn hen xảy ra, tức là khi có các triệu chứng của hen (khó thở, khò khè,...). Nhưng cần khẳng định quan niệm này hoàn toàn là sai lầm cần tránh khi điều trị hen.

Bởi thuốc điều trị hen phế quản không chỉ bao gồm các thuốc điều trị triệu chứng mà còn bao gồm cả các thuốc chống tái phát cơn hen. Do đó, việc chỉ sử dụng thuốc điều trị hen phế quản khi có triệu chứng xảy ra có thể khiến quá trình kiểm soát hen phế quản tái phát kém hiệu quả hơn, làm cho cơn hen dễ dàng xảy ra hơn.

2. Sử dụng thuốc điều trị hen phế quả liên tục có thể làm giảm tác dụng của thuốc

Một quan niệm sai lầm khác khi điều trị hen phế quản chính là quan niệm cho rằng các loại thuốc hen có thể bị giảm tác dụng (thường gọi là nhờn thuốc) nếu sử dụng thường xuyên.

Trên thực tế, việc sử dụng thuốc hen theo đúng liều lượng, chủng loại và chỉ định của bác sĩ thường cho hiệu quả điều trị tốt và bền vững mà ít gặp tình trạng giảm tác dụng của thuốc sau khi sử dụng thuốc trong thời gian dài. Giảm tác dụng của thuốc điều trị hen phế quản thường là hậu quả của sử dụng thuốc quá liều, không đúng loại và không tuân theo chỉ định của bác sĩ.

3. Có thể điều trị hen phế quản hoàn toàn

Như đã nói, hen phế quản là một bệnh lý mãn tính ở đường hô hấp, đặc trưng bởi hiện tượng viêm mãn tính niêm mạc phế quản.

Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm được phương pháp nào để có thể điều trị hen phế quản khỏi hoàn toàn. Các điều trị hen phế quản vẫn chủ yếu chỉ nhằm các mục đích điều trị triệu chứng hen, dự phòng cơn hen tái phát, dự phòng hen tiến triển nặng hơn. Do vậy quan niệm cho rằng hen phế quản có thể được chữa khỏi hoàn toàn là một quan niêm sai lầm.

4. Không nên tập thể dục khi bị hen phế quản

Nếu bạn cho rằng hen phế quản là bệnh hô hấp vì vậy người bị hen không nên hoạt động thể chất hay tập thể dục thì có thể khẳng định rằng bạn đang mắc một sai lầm nghiêm trọng.

Bởi một chế độ hoạt động thể chất, tập luyện thể dục phù hợp luôn là một trong các yếu tố quan trọng của quá trình kiểm soát và điều trị hen phế quản. Bởi hoạt động thể chất sẽ giúp cho phổi hoạt động nhiều và trở nên dẻo dai hơn. Tuy nhiên chế độ hoạt động thể chất, tập thể dục của bệnh nhân hen cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ.

Có thể thấy rằng điều trị hen phế quản không phải là một quá trình dễ dàng, người bệnh cần kiên trì và tuân thủ chỉ định của bác sĩ để có thể đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Do đó, hãy tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ để được giải đáp các thắc mắc, tránh được các sai lầm trong quá trình điều trị hen phế quản.

Nguồn dịch: https://www.everydayhealth.com/news/common-myths-about-asthma/


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn