5 năm “chiến đấu” với bệnh đái tháo đường

10:32 | 08/08/2015;
Dẫu bệnh đã ở giai đoạn cuối nhưng anh Trần Đình Vinh (46 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TPHCM) vẫn lạc quan: “Dù bệnh tật đã lấy đi của tôi nhiều thứ nhưng tôi lại được bù đắp bởi tình yêu thương vô bờ bến của vợ”.

Trước đây, anh Vinh làm nghề chở vật liệu xây dựng, còn chị Nguyễn Thị Hồng (quê Bến Tre) là công nhân may ở khu công nghiệp. Họ tình cờ gặp nhau rồi nên nghĩa vợ chồng. Nhà nghèo nhưng biết chắt chiu dành dụm nên anh chị cũng đủ sống qua ngày. Cuộc sống đanh bình yên thì sóng gió ập đến. Đầu năm 2001, anh Vinh bỗng phát hiện bàn chân phải nổi nhiều mụn nước lở loét. Tưởng đó là bệnh da liễu bình thường nên anh chỉ mua thuốc sát trùng tự rửa vết thương rồi chịu đựng cho qua ngày tháng.

Mãi đến năm 2008, khi gót chân và ngón chân có nhiều mảng chai cứng, anh tự dùng dao lam để cắt bỏ vùng da chết này. Không ngờ, chỉ hơn 3 tháng sau thì các vết loét đã lan rộng và ăn sâu vào bên trong xương, chảy mủ trắng. Đau nhức khôn xiết, anh đành phải vay mượn tiền của người thân để đi chữa bệnh. Ngày vô bệnh viện cũng là ngày tăm tối nhất đời anh, toàn thân rã rời anh khi hay tin mình mắc căn bệnh đái tháo đường, đây chính là “thủ phạm” gây viêm tắc động mạch chi dưới, bàn chân nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng. Các bác sĩ nhận định: “Để ngăn chặn hoại tử lan sang các khu vực khác, chỉ còn cách cắt bỏ vùng bị hoại tử ở đôi chân để giữ tính mạng”.

Khi trải qua cuộc phẫu thuật, tỉnh dậy, anh Vinh thấy bàn chân phải đã bị cưa cụt qua đầu gối. Đưa tay gạt những dòng nước mắt đang lăn dài trên má, anh nghẹn ngào kể: “Vì chủ quan, nghĩ vết thương nhẹ nên tôi xuề xòa cho qua, không ngờ hậu quả của nó lớn thế này. Đang khỏe mạnh, đùng một cái bị mất chân, thấy hụt hẫng và đau buồn lắm. Nhiều lúc nghĩ quẩn định tự tử cho xong”.

Thế rồi, bao nhiêu tiền dành dụm, tích góp mấy chục năm qua đã nhanh chóng “bay” theo những cuộc phẫu thuật, những toa thuốc đặc trị. Khi anh xuất viện, gia đình đã khánh kiệt. Không muốn mình trở thành gánh nặng cho vợ con, nén đau thương, anh Vinh kiên trì tập đi bằng nạng gỗ. Rồi anh vay tiền mua chiếc xe 3 bánh đi bán vé số. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu nên anh không đi bán được đều đặn, có hôm còn “lỗ vốn” do “chậm chân” trước giờ trả vé số cho đại lý. Vì vậy, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập ít ỏi của chị Hồng từ việc sửa chữa quần áo cũ và giữ trẻ thuê ở nhà.

 

Còn sống là còn hy vọng

Năm 2011, căn bệnh đái tháo đường lại tiếp tục tấn công bàn chân còn lại của anh. Hằng ngày, chị Hồng đều đặn vệ sinh sạch sẽ bàn chân cho chồng, đặc biệt là các kẽ ngón chân, để ý dấu vết bất thường như vết xước, vết phồng rộp, chỗ chai chân thì đưa anh đi kiểm tra mức đường huyết trong cơ thể… Tuy nhiên, do toàn bộ phần chân trái của anh Vinh đã hoại tử nên việc chữa trị là quá muộn. Lần thứ 2 đưa chồng vào bệnh viện để tiếp tục cưa chân, lòng chị Hồng như quặn thắt khi nhìn cái chân bé tẹo còn lại tím đen, lở lét của chồng lại sắp phải cắt đi mà chẳng biết làm gì hơn.

Sống chung với bệnh đái tháo đường hơn 5 năm, gia cảnh đã khó, nay lại càng bần hàn hơn khi những biến chứng nặng nề của bệnh đái tháo đường đã dần xuất hiện trên cơ thể anh như: suy giảm thị lực (biến chứng mắt); suy thận độ 3 (biến chứng thận); nhồi máu cơ tim (biến chứng tim mạch)… Mặc dù đến nay vết cưa chân đã lành nhưng anh phải thường xuyên uống thuốc để chống chọi với các cơn đau. Hiện tại, đến bữa ăn hàng ngày gia đình còn phải lo chạy vạy nên số tiền mua thuốc hạ đường huyết, giảm đau (700.000 đồng/tháng) cũng là rất khó khăn. Nhiều hôm không có thuốc, toàn thân anh đau buốt cứ như bị ai lấy búa đập vào vậy.

Đôi mắt mờ đục của anh chợt ứa lệ: “Có lẽ, nỗi đau thể xác tôi đang chịu cũng không hề thấm so với những gì mà vợ tôi đã phải chịu đựng. Từ khi về sống với tôi, cô ấy như ôm một “cục nợ” vậy. Chẳng được chồng chăm sóc mà còn phải lo lắng cho tôi từng miếng ăn, giấc ngủ mà không một lời than vãn, hờn trách. Có lúc, tôi buột miệng hỏi: “Sao em thương tôi thế?”, cô ấy chỉ mỉm cười: “Còn được sống cùng anh là duyên phận, nên phải trọn nghĩa vẹn tình”.

Nghĩ đến tương lai, anh Vinh trải lòng: “Giờ tôi chỉ ước mỗi ngày đều đặn kiếm được vài chục ngàn phụ giúp vợ nuôi đứa con gái 3 tuổi mà thôi. Tôi ngồi một chỗ chẳng làm được gì, mà trong nhà bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Cứ thế này, làm sao nuôi con ăn học nên người? Giờ giúp đỡ cho vợ con cái gì đó dù chỉ là nhỏ thôi cũng đã là vui lắm rồi”. Ước mơ giản dị thế thôi nhưng qua mỗi lời anh nói, dường như nó quá xa vời.

Anh Trần Đình Vinh bên cô con giá 3 tuổi 

 

Mọi sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm xin gửi về: Trần Đình Vinh, số 939/1A Lê Đức Thọ, P.16, Q.Gò Vấp, TPHCM. ĐT: 0121.8857349.

 

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM)​

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường phần lớn do gene di truyền nhưng giờ đây, môi trường sống cũng được xác định là “thủ phạm”. Biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra rất nguy hiểm và nguy cơ tử vong cao. Trong đó, nổi bật là các biến chứng tim mạch (cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim); biến chứng thận (suy thận); biến chứng mắt (đục thủy tinh thể, mù mắt); thần kinh (dị cảm, tê tay chân); nhiễm trùng (da, đường tiểu).

Cách đây 10 năm, bệnh chỉ xuất hiện ở độ tuổi từ 30-65 nhưng giờ đây, tỉ lệ bệnh nhân từ 25 đến 35 tuổi chiếm khá cao. Trong đó, có nhiều phụ nữ cũng được phát hiện mắc đái tháo đường trong thai kỳ.

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, điều trị lâu dài và không thể khỏi hẳn được. Vì vậy, trước hết phải có chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý với điều kiện cụ thể của từng người bệnh.

Một số cách giúp bảo vệ chân ở bệnh nhân đái tháo đường:

- Rửa chân bằng nước ấm mỗi ngày.

- Kiểm tra chân hàng ngày để xem có bất cứ vết cắt, vết loét, mụn nước, vết đỏ nào không.

- Cắt móng chân mỗi tuần 1 lần hoặc khi cần thiết.

- Luôn mang vớ để tránh rộp, phồng da.

- Luôn mang dép hoặc giày phù hợp với kích cỡ để bảo vệ chân khỏi bị thương tích.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn