6 điều cần biết về viêm dạ dày khi mang thai

15:32 | 04/03/2020;
Xuất hiện bất cứ vấn đề sức khỏe nào khi đang mang bầu đều khiến người mẹ lo lắng. Thật không may, bà bầu dễ mắc bệnh hơn do sức đề kháng suy giảm, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa. Nếu bạn thường bị buồn nôn và khó chịu trong dạ dày thì rất có thể bạn đang bị viêm dạ dày khi mang thai.


1. Triệu chứng viêm dạ dày khi mang thai

Các triệu chứng viêm dạ dày khi mang thai thường gặp là:

- Cảm thấy buồn nôn hoặc nôn.

- Thường xuyên bị mệt mỏi.

- Khó tiêu, đầy hơi, cảm giác vùng bụng trên bị đầy sau khi ăn.

- Mất cảm giác ngon miệng,

- Các cơn đau ở vùng bụng trên xuất hiện với tần suất cao.

Các triệu chứng này không khác biệt nhiều so với triệu chứng ở những đối tượng khác. Tuy nhiên, dấu hiệu viêm dạ dày khi mang thai thường hay bị nhầm với các triệu chứng ốm nghén. Do vậy, bà bầu rất khó phát hiện bệnh, khiến vùng viêm có cơ hội tiến triển nặng hơn.

  • Tham khảo thêm

    Nóng rát dạ dày: Có thể là dấu hiệu sớm ung thư dạ dày

2. Nguyên nhân

- Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm dạ dày khi mang thai đó chính là bà bầu bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Vi khuẩn HP sống và sinh sôi ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày, chúng phá hủy niêm mạc, khiến dạ dày dễ bị tấn công hơn dẫn đến viêm nhiễm.

- Do bà bầu sử dụng nhiều loại thuốc điều trị bệnh trước khi mang thai. Các loại thuốc này có thể khiến niêm mạc dạ dày bị mỏng và yếu đi. Khi mang thai, sự thay đổi nội tiết tố làm nặng hơn tình trạng này khiến niêm mạc dạ dày bị viêm.

- Hormone thay đổi cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm dạ dày khi mang thai. Hormone khiến tâm lý bà bầu thay đổi, thường xuyên bị căng thẳng và stress, ảnh hưởng đến dạ dày.

- Khi mang thai, cơ thể cần rất nhiều dưỡng chất, khiến bà bầu thường xuyên cảm thấy đói và ăn nhiều hơn. Dạ dày làm việc quá tải cũng khiến nó dễ bị mắc bệnh hơn.

- Bà bầu hút thuốc lá hoặc sử dụng đồ uống có chất kích thích như rượu bia và cà phê cũng có nguy cơ bị viêm dạ dày khi mang thai cao hơn.

3. Chẩn đoán

- Bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát và hỏi về các triệu chứng, để chẩn đoán phân biệt dấu hiệu viêm dạ dày khi mang thai, hay chỉ là những triệu chứng ốm nghén.

- Kiểm tra hơi thở để chẩn đoán nhiễm trùng Helicobacter pylori. Đây là phương pháp chẩn đoán đơn giản, nhanh chóng, không xâm lấn, rất thích hợp với phụ nữ mang thai.

- Xét nghiệm máu cho phép xác định sự hiện diện của kháng thể đối với các tế bào thành phần và Helicobacter pylori.

6 điều cần biết về viêm dạ dày khi mang thai - Ảnh 4.

Xét nghiệm máu để tìm kiếm sự tồn tại của vi khuẩn HP (Ảnh: Internet)

- Đo pH để xác định mức độ axit của dịch dạ dày, từ đó xác định loại viêm dạ dày khi mang thai.

- Nội soi thực quản giúp bác sĩ kiểm tra được tình trạng của niêm mạc dạ dày, đồng thời sinh thiết các mô bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, kỹ thuật này khá khó chịu với bà bầu và chỉ được thực hiện khi có chỉ định cụ thể.

4. Điều trị

Việc điều trị viêm dạ dày khi mang thai cần được cân nhắc hết sức cẩn thận. Bởi các loại thuốc kháng sinh được dùng để điều trị viêm dạ dày thường không được khuyên dùng cho bà bầu. Bác sĩ sẽ ưu tiên khắc phục viêm dạ dày khi mang thai bằng chế độ dinh dưỡng:

- Ăn uống thanh đạm, thực phẩm sạch, không bị nhiễm khuẩn, ăn chín uống sôi.

- Trong những ngày đầu điều trị viêm dạ dày khi mang thai, thức ăn nên có độ đặc bán lỏng, để không gây gánh nặng cho dạ dày. Bà bầu có thể bắt đầu bằng sữa và súp, cháo và đồ hầm. Sau vài ngày có thể ăn thức ăn đặc hơn.

- Không nên ăn quá no, cũng không để bụng quá đói. Nên chia nhỏ bữa ăn, ăn 5 - 6 bữa một ngày. Nhớ ăn sáng đầy đủ.

- Thức ăn khuyến khích là rau củ luộc, hoa quả tươi, sữa, súp, phô mai, trứng, thịt gà, khoai tây,....

- Thức ăn nên tránh là thực phẩm chiên rán và hun khói, gia vị cay nóng, thức ăn chứa nhiều muối, bánh kẹo, cà phê, rượu bia.

Khi chế độ dinh dưỡng không mang lại nhiều hiệu quả, bà bầu vẫn gặp nhiều khó chịu vì viêm dạ dày thì bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc. Kê đơn thuốc sẽ phụ thuộc và tình trạng của từng bệnh nhân. Việc điều trị cần được bác sĩ giám sát chặt chẽ.

5. Phòng tránh

- Bà bầu nên hỏi ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống tối ưu, giúp nâng cao sức khỏe mẹ và bé, đồng thời phòng tránh nguy cơ bị viêm dạ dày khi mang thai.

- Giữ tinh thần thoải mái, thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế stress khi mang thai.

6 điều cần biết về viêm dạ dày khi mang thai - Ảnh 6.

Bà bầu cần giữ tinh thần thoải mái khi mang thai (Ảnh: Internet)

- Bỏ uống cà phê và rượu bia, cai thuốc lá.

- Khi có ý định mang thai, phụ nữ nên đi khám sức khỏe tổng quát, test vi khuẩn HP và điều trị trước các bệnh về tiêu hóa nếu có.

6. Viêm dạ dày khi mang thai có nguy hiểm không?

Viêm dạ dày nếu vẫn ở giai đoạn nhẹ và được kiểm soát tốt thì không ảnh hưởng nhiều đến bà bầu và thai nhi. Tuy nhiên, nếu bệnh biến chứng nặng gây rối loạn tiêu hóa, xuất huyết dạ dày,.... thì có thể gây thiếu máu và thiếu dinh dưỡng ở người mẹ, có nguy cơ gây chậm phát triển thai nhi.

Trong trường hợp viêm dạ dày khi mang thai biến chứng trầm trọng như thủng dạ dày, xuất huyết ồ ạt,... thì có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé.

Do đó, điều quan trọng là bà bầu cần đi khám thai định kỳ, liên hệ với bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường để kiểm soát và điều trị bệnh sớm nhất.

Nguồn tham khảo:

https://www.pushdoctor.co.uk/what-we-treat/digestive-problems/gastritis/pregnancy


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn