Thuý Hằng, Anh Thư và bà trùm Hoa hậu Kim Dung là những nhân vật có ảnh hưởng đối với các bà mẹ, họ không chỉ xinh đẹp, toả sáng trên sàn diễn, thảm đỏ thời trang mà sở hữu vốn kiến thức sâu rộng về các vấn đề của các nàng công chúa của họ.
Quyền lực và xa hoa trong những bộ cánh thời trang lộng lẫy, thần thái đỉnh cao trong những bước catwalk hay khung ảnh từ các tạp chí danh gia, nhưng khi về nhà họ đều là những người mẹ tâm lý, luôn hướng dẫn và bầu bạn để các con có thể chia sẻ, học hỏi những kiến thức về làm đẹp, thời trang lẫn sức khoẻ đầy hữu ích.
Nhân dịp 8/3, những hot mom đang được chú ý nhờ kiến thức giáo dục con cái khoa học, phong cách thời trang nổi trội như Thuý Hằng, Anh Thư và bà trùm Hoa hậu Kim Dung, sẽ truyền đạt những mẹo làm đẹp, phong cách ăn mặc lẫn kinh nghiệm chinh chiến qua ngày đèn đỏ đầu đời với các bà mẹ hoặc các cô gái đã đang và sẽ trải qua cảm giác này.
Bộ ba xinh đẹp, có sức ảnh hưởng trong làng thời trang lẫn Hoa hậu, sẽ chia sẻ những gì để giúp các cô gái bé bỏng trong ngày đèn đỏ đầu đời?
Hồi tưởng lại trận "Đại hồng thuỷ" đầu tiên trong đời, cảm giác của chị lúc ấy ra sao?
Tôi nhớ lúc đó mình là cô nữ sinh lớp 10 đang mặc trên mình chiếc áo dài trắng, gần đến giờ tan học tự dưng “ào” một phát đại hồng thuỷ đến làm tôi rất rối bời, có thể nói là “nhớ đời”. Lúc đó, tôi vừa sợ, vừa rối bời lại rất xấu hổ vì đây là lần đầu “đèn đỏ” lại trong một bộ áo dài trắng tinh, tôi rất sợ mọi người phát hiện, chỉ muốn trùm mặt chạy một cái ào về nhà.
Khi phát hiện ra chiếc áo dài trắng của mình đã “dính màu”, tôi thực sự không biết làm cách nào để có thể đứng lên đi về. Lúc đó trong lớp còn vài bạn về muộn và vô cùng may mắn, tôi thấy có một bạn nam có một chiếc áo khoác đen, tôi đã nhờ một bạn nữ khác mượn chiếc áo ấy và quấn quanh người và bắt đầu bước ra khỏi lớp.
Con gái nhỏ Annie Hoàng trong vòng tay của mẹ Kim Dung và bố Hoàng Nhật Nam.
Giờ đây, khi là mẹ của một tiểu thiên thần chị Dung chắc hẳn sẽ biết làm những gì để giúp đỡ cô công chúa nhỏ trong ngày đèn đỏ trong tương lai?
Hiện nay, trẻ con sớm làm quen với mạng internet với nhiều thông tin chỉ vài giây là có thể tìm thấy thứ mình muốn tìm. Bên cạnh đó giáo dục của nhà trường cũng cởi mở hơn, do đó trẻ con sẽ có cơ hội tìm hiểu về tuổi mới lớn nhiều hơn. Tuy nhiên, do dinh dưỡng và hoạt động thể chất tốt hơn nên tuổi thần tiên và “ngày đèn đỏ” chắc chắn cũng sẽ đến sớm hơn thời chúng tôi. Và ở tuổi còn bé con này có những chuyện tế nhị nhất chỉ mẹ nói với con, hay chị nói với em mà thông tin trên mạng không thể nào truyền tải được mình sẽ cố gắng nói với con cặn kẽ nhất.
Ví dụ như những thay đổi về cơ thể của con hay con cần chuẩn bị những gì, cần ăn mặc như thế nào. sản phẩm nào luôn phải có bên người, vệ sinh cá nhân ra sao…. Mình sẽ giúp đỡ con trong những lần đầu tiên để con không bỡ ngỡ và cảm thấy đây là những điều hết sức bình thường của tất cả những người phụ nữ. Có thể ngày còn trẻ bản thân các cô gái sẽ thấy ngày đèn đỏ khá phiền phức nhưng phụ nữ có ngày đèn đỏ mới thực hiện được thiên chức làm mẹ.
Bà Phạm Kim Dung cho rằng việc ăn mặc và trang bị các vật dụng đi kèm rất quan trọng.
Theo chị điều gì là quan trọng nhất, và các bà mẹ nên chuẩn bị những vật dụng nào cho con trong ngày đèn đỏ đầu?
Tôi nghĩ băng vệ sinh là vật dụng không thể thiếu cho con trong ngày đèn đỏ. Con trẻ trong những ngày đầu tiên tuỳ vào mức độ nặng nhẹ mà mình chuẩn bị các loại băng hàng ngày, ban ngày lẫn ban đêm. Những lần đầu tiên chắc chắn con sẽ vụng về chưa biết phải làm gì cho nên mình sẽ khuyên con lưu ý không mặc đồ trắng và vệ sinh thường xuyên, luôn mang theo quần lót dự phòng.
Bên cạnh đó, hạn chế cho con đi chơi xa những ngày này do điều kiện vệ sinh không đầy đủ làm con dễ bị mắc phải những bệnh con gái. Và phải bổ sung đầy đủ kiến thức cho con về những sản phẩm cho ngày “đèn đỏ” như nước rửa, băng vệ sinh. Bên cạnh đó, những trang phục con diện cũng phải mang màu sắc tối một chút như đen, xám, nâu…. Khi các con đi học diện áo dài trắng hay đồng phục trắng phải nhớ dùng băng vệ sinh cùng màu, đồng thời phải mang theo một chiếc khăn choàng, áo khoác hoặc váy chống nắng chẳng hạn để đề phòng những lúc ''đại hồng thuỷ'' về bất ngờ.
Bên cạnh đó, vào những ngày gần đến ngày đèn đỏ, hãy luôn mang theo một chiếc quần lót bên người để có thể thay đổi ngay khi cần thiết. Việc chuẩn bị đầy đủ quần áo, băng vệ sinh sẽ giúp tâm lý của các con tốt hơn khi đến trường.
Annie hay được mẹ cho diện đồ đôi, cùng làm việc chung như hai người bạn.
Nhiều bà mẹ và con vẫn chưa kết nối cũng như khá xem nhẹ những dấu hiệu "mới lớn" của con gái mình. Là một người mẹ, chị Dung có những lời khuyên nào gửi đến họ?
Giai đoạn mới lớn của con không chỉ là vấn đề về sinh lí mà còn là vấn đề về tâm lí. Các con sẽ thấy bất ổn khi nhiều bộ phận trên cơ thể sẽ bắt đầu phát triển hay có những dấu hiệu lạ trong những ngày đèn đỏ. Thời điểm này, những người mẹ cần phải trở thành những người bạn của con.. Mình có thể trao đổi với con, kể cho con nghe về những câu chuyện của chính mình chứ không nên giáo điều con phải như thế này thế kia và chia sẻ về cách hành xử của mình trong giai đoạn đó như thế nào để cho con hiểu.
Tuổi mới lớn là tuổi “trái gió trở trời”, mình gần gũi với con hơn, chia sẻ với con nhiều hơn,. Mẹ có thể cùng đọc một bài báo hay xem 1 bộ phim, cùng con đi chọn lựa một món đồ nào đó sẽ làm con vui hơn và giải tỏa được vấn đề tâm lý.
Ngay khi sinh lí bắt đầu thay đổi và trong điều kiện xã hội phát triển như hiện nay các con cũng sẽ bắt đầu quan tâm đến những vấn đề sinh lý sớm hơn so với thế hệ của chúng tôi. Vì vậy các ông bố bà mẹ phải thật khéo léo để có thể chia sẻ cùng các con.
Chị có thể bật mí một chút về ngày đầu tiên Thanh Tuyền phải đối mặt với kỳ “đèn đỏ” được không?
Bạn Tuyền bắt đầu bước vào thời kỳ “đèn đỏ” đầu tiên từ cách đây khoảng nửa năm, trong một dịp mấy mẹ con đi chơi. Vì đã được chuẩn bị tâm lý từ trước nên con rất bình tĩnh. Khi phát hiện mình đã “đèn đỏ”, Hằng thấy con chỉ hơi buồn chút thôi vì không muốn có kinh nguyệt sớm.
Để Thanh Tuyền không quá bỡ ngỡ trước kỳ đèn đỏ đầu tiên, chị đã chuẩn bị cho con những gì?
Thực tế hiện nay, các bạn gái phát triển khá sớm. Chú ý thấy những thay đổi nhỏ nhất ở con như xuất hiện mụn trứng cá, mùi hôi cơ thể. Đó là lúc Hằng biết bản thân nên chia sẻ với con về ngày “đèn đỏ” của con gái. Nói chung việc chia sẻ về giới tính với con nên thẳng thắn nhưng vui vẻ, dí dỏm, các bạn sẽ tiếp nhận dễ dàng hơn.
Theo Thuý Hằng, bản thân cần chuẩn bị tâm lý cho con là chính. Đồng thời để ý xem con có biểu hiện gì khác lạ hay khó chịu không để động viên cũng như cùng con đối phó với kỳ “đèn đỏ” đầu tiên.
Tuy nhiên bên cạnh đó, Hằng cũng có chuẩn bị trước cho con những kiến thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ vùng nhạy cảm trong kỳ “đèn đỏ”. Hiểu được việc sử dụng băng vệ sinh thế nào, bao lâu nên thay, làm sạch vùng nhạy cảm ra sao sẽ giúp con hạn chế được những vấn đề như viêm nhiễm hay mùi hôi ở vùng nhạy cảm.
Ngoài ra, việc hướng dẫn con lựa chọn những trang phục phù hợp trong những ngày có kinh nguyệt, từ quần lót đến trang phục bên ngoài cũng khá quan trọng, đem tới cho con có cảm giác thoải mái, tự tin hơn.
Thuý Hằng chú trọng đến độ thông thoáng của nội y để các con thoải mái.
Theo chị, sách báo có thể thay thế các mẹ trong việc chuẩn bị kiến thức cũng như tâm sinh lý cho con gái trước kỳ kinh nguyệt đầu tiên không? Vì sao?
Sách báo có thể hỗ trợ một phần, chẳng hạn như những cuốn sách cung cấp kiến thức về chăm sóc vùng nhạy cảm khi “đèn đỏ” hay các cuốn sách hướng dẫn cách chăm sóc da phù hợp với độ tuổi con để đối phó với tình trạng mụn trước ngày “đèn đỏ”. Nhưng rõ ràng nó không thể thay thế được các mẹ, vì bản thân mỗi bé có một thể trạng và sự tiếp nhận kiến thức khác nhau.
Do đó, người mẹ hoặc người thân trong gia đình cần quan tâm và chia sẻ trực tiếp và quan sát quá trình lớn của các bé. Bản thân người lớn trong thời gian “đèn đỏ” còn mệt mỏi và dễ cáu gắt, vậy trẻ nhỏ còn khó kiểm soát tâm lý hơn khi không được quan tâm chăm sóc.
Cho tới hiện tại, Thanh Tuyền đã có thể tự lập trong việc đối mặt với kỳ “đèn đỏ” chưa? Trong trường hợp con gái đã thích nghi được với sự thay đổi này ở cơ thể, bằng cách nào chị có thể giúp con làm được điều đó?
May mắn là bạn Tuyền vượt qua ngày đầu tiên rất bình tĩnh và những kỳ tiếp theo đều rất chủ động tự chăm sóc cho bản thân. Mẹ chỉ hướng dẫn con thời gian đầu, sau 3 tháng con đã chủ động gần như hoàn toàn khi tới kỳ “đèn đỏ”.
Ngoài việc chuẩn bị, hướng dẫn con việc lựa chọn sử dụng băng vệ sinh đúng loại, đúng cách, Hằng thường quan tâm nhiều hơn tới việc mua cho con những chiếc quần nội y sao cho phù hợp. Bởi nó có thể đóng vai trò quyết định trong việc đem tới sự thoải mái, cảm giác tự tin cho con ngay cả khi cơ thể bản thân đang gặp thay đổi lớn ở tuổi dậy thì.
Với Hằng, có hai tiêu chí mẹ cần quan tâm khi sắm đồ nội y cho con gái để sử dụng trong kỳ kinh nguyệt, ấy là độ thông thoáng cùng khả năng cố định băng vệ sinh ở một vị trí. Trong đó, việc chọn một chiếc quần lót có chất liệu thông thoáng sẽ giúp con cảm thấy thoải mái hơn để học tập, vui chơi, giảm bớt cảm giác khó chịu, bí bách khi sử dụng kèm băng vệ sinh. Bên cạnh đó, những chiếc quần lót với chất liệu cotton co giãn tốt sẽ giúp cố định băng vệ sinh, tránh tình trạng bị trôi hoặc xô, lệch trong quá trình con hoạt động, vui chơi.
Ngoài ra, Hằng cũng gợi ý cho con diện phía ngoài những trang phục tối màu, có thiết kế phóng khoáng, rộng rãi chút mỗi khi bước vào kỳ “đèn đỏ” nhằm tránh những tình huống không may xảy ra với băng vệ sinh, nhất là khi con đi chơi hay đi học.
Giúp con vượt qua và chủ động hơn với vấn đề “đèn đỏ” ở tuổi dậy thì, đó là điều mà Thúy Hằng đã làm được.
Đối với người vừa có kinh nghiệm cùng con trải qua khoảng thời gian ý nghĩa ấy, chị nghĩ những bà mẹ nên bắt đầu dạy con trẻ như thế nào trong giai đoạn con dậy thì để con có thể hiểu và duy trì tâm lý thoải mái nhất, đồng thời có thể mở lòng hơn với mẹ trong vấn đề có phần nhạy cảm này?
Mỗi mẹ đều có cách riêng của mình, tuy nhiên việc quan sát sự phát triển của con rất cần thiết trong khoảng thời gian này. Ngoài ra, các mẹ hãy tâm sự hoặc nói chuyện với con, hoặc trực tiếp mà thấy khó khăn thì có thể lấy ví dụ từ những bạn bè hoặc chị em họ hàng xung quanh mà bé quen biết, để câu chuyện chia sẻ được tự nhiên và gần gũi hơn.
Ví dụ như “Mẹ thấy bạn H nhà cô D có "đèn đỏ" rồi đấy, không biết con gái mẹ đến khi nào nhỉ?” hoặc “Dạo này mẹ thấy con gái mẹ thay đổi rồi này, mụn trứng cá rồi này, mà có thấy người có mùi hôi không? Ở lớp các bạn có mùi cơ thể giống như thế không?”,... Đừng để bé cảm thấy bị cô lập, hãy tìm đồng minh cho bé để bé thấy sự việc sắp xảy ra là hoàn toàn bình thường.
Trước đây, chị được mẹ chuẩn bị như thế nào về kì đèn đỏ đầu tiên trong đời? Nếu có thì cụ thể, mẹ chị đã chuẩn bị cho chị ra sao?
Ngày xưa ở tuổi dậy thì, Anh Thư đa phần không được gia đình chuẩn bị kĩ về tâm sinh lý vì ba mẹ hầu như đều dành thời gian để lo cuộc sống. Vì vậy, Anh Thư phần lớn là tự trải qua giai đoạn đó, tự tìm hiểu thông qua sách vở và chia sẻ với bạn bè để biết những dấu hiệu đến ngày đèn đỏ như thế nào.
Cá nhân Anh Thư là người dậy thì muộn nhất so với các bạn học vì đến tận lớp 10 mới trải qua kì đèn đỏ đầu tiên. Do đó, Anh Thư cũng đã có hiểu biết từ kiến thức đã học nên cũng không quá bối rối và tự xử lý được .
Liệu chị còn nhớ cảm giác lần đầu tiên đối mặt với kì đèn đỏ? Chị có gặp những rắc rối gì hay không? Có phải những điều chị đã trải qua đều cũng sẽ được áp dụng lại với bé Cát?
Anh Thư còn nhớ ngày đầu tiên có kinh nguyệt là khi đang đi vệ sinh và phát hiện ra. Mặc dù về mặt lý thuyết và các món đồ cần thiết đầy đủ, bản thân mình biết hết những bước cần làm như vệ sinh sạch sẽ, chọn mặc nội y ra sao, mua băng vệ sinh thế nào... nhưng trên thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Cảm giác lo lắng ngày đèn đỏ đầu đời ấy đến bây giờ vẫn làm mình sợ và khi nhắc đến còn nổi da gà.
Được biết, bé Cát Cát hiện tại đã 7 tuổi, chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì. Vậy rút kinh nghiệm từ bản thân, chị nghĩ chị sẽ chuẩn bị cho con gái những gì trước khi bước vào giai đoạn đầu kinh nguyệt?
Rút kinh nghiệm từ bản thân, ngay khi bé Cát còn đang chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, Anh Thư đã trang bị cho con rất nhiều kiến thức bổ ích và cần thiết. Đối với bé Cát, Anh Thư quan sát rất kĩ sự thay đổi về tâm sinh lý của con bằng cách thường xuyên nói chuyện tâm sự như kiểu 2 người bạn gái để con hiểu rằng bất cứ khi nào con cần, mẹ sẽ luôn ở đó và để con luôn cảm thấy an tâm nhất , thoải mái nhất khi tâm sự với mẹ.
Trước khi có kinh nguyệt lần đầu, các bé gái đều có những thay đổi lớn về cơ thể. Chị nghĩ mình sẽ theo dõi và tư vấn tâm sinh lý cho con gái ra sao? Và nên dạy con sử dụng các sản phẩm làm đẹp/ vệ sinh cơ thể như thế nào?
Đối với trẻ, mẹ nên hướng dẫn con cách sử dụng băng vệ sinh thế nào, cách chăm sóc bản thân những ngày “đèn đỏ”, nên lưu ý gì khi mặc trang phục và sử dụng các loại sản phẩm làm đẹp ra sao.
Mình cũng đã chuẩn bị dạy con về cách sử dụng những sản phẩm vệ sinh, trang phục ra sao cho phù hợp khi con đến kì kinh nguyệt. Ví dụ như quần áo đơn giản thoải mái là được, không cần phải quá quan trọng vì thời buổi bây giờ các loại băng vệ sinh rất đa dạng. Thậm chí, mặc bikini vẫn có thể dùng những loại như cốc nguyệt san, tăm bông... Tuy nhiên, bé Cát còn quá nhỏ, đến khi bé dậy thì chắc có khi đã có nhiều cách mới hơn tốt hơn tuy nhiên trong các loại để sử dụng ngày đèn đỏ thì cốc nguyệt san có vẻ là tốt nhất vừa ít gây dị ứng lại rất tiện và hạn chế rác thải nữa.
Dù vậy, Anh Thư cũng phải đợi thêm một thời gian nữa khi bé bước vào ngày đèn đỏ đầu tiên mới có thể biết được con cần phải thay đổi và chuẩn bị thêm những gì.
Người mẹ luôn đóng vai trò quan trọng trọng khi cùng con trải qua khoảng thời gian dậy thì ý nghĩa, chị nghĩ những bà mẹ nên bắt đầu dạy con trẻ như thế nào trong giai đoạn con dậy thì?
Cát rất hay tò mò thắc mắc nên hỏi rất nhiều điều về mọi thứ, riêng về cơ thể Cát hay hỏi sao vòng 1 của mẹ lại to, sao mẹ và ba khác nhau nhiều điểm, sao tháng nào mẹ cũng đến ngày rụng dâu…
“Thay vì tìm cách tránh né, Anh Thư luôn cố gắng trao đổi thật nhất có thể để con gái không cần phải tự tìm hiểu nơi khác, tránh bị lệch lạc thông tin và suy nghĩ.”
Nhiều bé gái thường sợ kỳ đèn đỏ, cảm thấy phiền và ngại vì đôi khi còn bị bạn khác trêu chọc. Với tâm thế của một người mẹ, chị sẽ nói gì để con hiểu và trân trọng mọi khía cạnh để là con gái thật tuyệt?
Theo Anh Thư, muốn con trẻ không cảm thấy sợ và ngại khi tới ngày đèn đỏ thì trước tiên, mẹ phải thoải mái tâm sự với bé về chuyện con gái khi lớn lên sẽ có những sự thay đổi nhất định. Ngoài ra, mẹ cũng cần chuẩn bị cho con đầy đủ những nhu yếu phẩm cần cho quá trình dậy thì của con trẻ. Không riêng gì băng vệ sinh, đồ nội y, sản phẩm chăm sóc da, cơ thể mà chế độ ăn uống trong thời kì dậy thì cũng rất cần thiết. Vì con trẻ khi đến độ tuổi này, nhất là con gái sẽ bắt đầu quan tâm nhiều hơn về vẻ ngoài của mình.
Cuối cùng, để con luôn tự tin và trân trọng mọi khía cạnh là con gái thật tuyệt, mẹ nên nói chuyện thoải mái nhiều lần với con về vấn đề dậy thì. Có như vậy thì khi bản thân bé trải qua, điều đó đối với bé sẽ chẳng phải là vấn đề gì cả mà chỉ như 1 chuyện hiển nhiên sẽ xảy ra .
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn