Áp lực về công việc, điều kiện sống... khiến nhiều gia đình cán bộ chiến sĩ đổ vỡ

05:41 | 30/08/2019;
Người phụ nữ không chỉ là người của gia đình mà còn là người của xã hội. Họ bình đẳng với nam giới và có những trọng trách quan trọng trong xã hội.
Tại buổi tọa đàm “Xây dựng gia đình cán bộ chiến sĩ công an hạnh phúc bền vững”, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an Tp. Đà Nẵng, Trung tá Lê Thị Thu Huyền cho biết, qua thống kê của Toà án nhân dân Tối cao, từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Toà án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như: Bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma tuý, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn). 
phu-nu-vn-3.JPG
Trung tá Lê Thị Thu Huyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an Tp. Đà Nẵng
 
Đây là con số báo động. Theo số liệu gần đây của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn, xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Đáng lưu ý là 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ mà vợ/chồng trong độ tuổi từ 18-30; trong đó 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1-5 năm, nhiều trường hợp mới cưới nhau được vài tháng.
 
img_3309_1600x1067.JPG
Phụ nữ vẫn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ với gia đình và phải biết lựa chọn cách thức quản lý, phân công công việc cho các thành viên trong gia đình làm việc một cách khoa học, hợp lý
Trung tá Lê Thị Thu Huyền chia sẻ, tỷ lệ ly hôn của các gia đình trong CATP Đà Nẵng chiếm trên 4% số cán bộ chiến sĩ (CBCS) đã kết hôn; riêng tỷ lệ ly thân không thống kê được (vì rất nhiều lý do, CBCS không kê khai). 
 
Trong số các vụ ly hôn, CBCS nam giới chiếm 66,66%; vợ và chồng cùng trong ngành chiếm 12% (nếu tính theo tỷ lệ biên chế giữa cán bộ nam và nữ, thì tỷ lệ ly hôn của CBCS nữ trong ngành cao gấp hơn 2 lần so với CBCS nam). 
 
img_3292_1600x1067.JPG
CBCS nam giới cần phải được giáo dục, tư vấn về vai trò của nam giới trong xây dựng tổ ấm gia đình

 

Để xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình CBCS trong giai đoạn hiện nay, Trung tá Lê Thị Thu Huyền cho biết,  thường trực Hội Phụ nữ CATP Đà Nẵng đề xuất, cần thay đổi quan niệm về trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi CBCS đối với gia đình. Ngoài việc truyền thông về vai trò của gia đình và sự cần thiết phải xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững còn phải gửi tới mỗi CBCS thông điệp: Yêu thương và chia sẻ, cùng nhau chung sức xây tổ ấm. Người phụ nữ không chỉ là người của gia đình mà còn là người của xã hội. Họ bình đẳng với nam giới, có những trọng trách quan trọng trong xã hội...

Cũng trong buổi tọa đàm, Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, Trưởng Ban VSTBPN, công tác GD & TE cho biết, CAHN đã thường xuyên quan tâm nắm bắt tình hình đời sống gia đình CBCS, từ đó có cơ sở để đề xuất triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình CB, chiến sĩ Công an Thủ đô hạnh phúc.

 

Thiếu tướng cũng cho biết thêm, những vấn đề nổi lên trong gia đình CBCS Công an Thủ đô hiện nay, đó là đời sống vật chất và tinh thần của đa số gia đình cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố (CATP) tốt hơn so với trước đây, tạo điều kiện xây dựng các gia đình hạnh phúc, minh chứng là các chỉ số chăm sóc, giáo dục gia đình luôn ở mức cao. Tính đến tháng 8/2019, có 20.975 gia đình cán bộ, chiến sĩ CATP đều đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hoá", chiếm 97,9% tổng số gia đình cán bộ, chiến sĩ; trong đó 54 cán bộ, chiến sĩ đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn lực lượng, 2.483 cán bộ, chiến sĩ đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, lao động giỏi hoặc sinh viên xuất sắc, 293 gia đình có con đạt thành tích cao trong các cuộc thi cấp quốc tế, quốc gia, thành phố, quận, huyện trong năm học 2018-2019. Nhiều gia đình trở thành tấm gương sáng đối với nhân dân nơi sinh sống, là tiêu biểu mẫu mực trong xây dựng gia đình hạnh phúc được nhân dân nơi sinh sống quý mến, học tập, noi theo. 

69821713_508220166657264_5953618627025436672_n_800x1200.jpg
Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, Trưởng Ban VSTBPN, công tác GD & TE

 

Bên cạnh những mặt tích cực trong xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững của cán bộ, chiến sĩ vẫn còn các tác động tiêu cực như áp lực về công việc, sự phát triển đô thị, điều kiện sống; cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật... khiến gia đình đổ vỡ. 

 

Không chỉ vậy, thực trạng các gia đình chiến sĩ CAHN còn những vấn đề đáng lo ngại khi điều kiện cuộc sống, vật chất của một số bộ phận gia đình cán bộ, chiến sĩ CATP còn khó khăn; cấu trúc gia đình còn lỏng lẻo, chưa có sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình... 

 

Hiện tại Công an TP với số lượng 21.404, trong đó số đã kết hôn là 15.569 cán bộ chiến sĩ, có 1.077 cán bộ, chiến sĩ ly thân và ly hôn (có trên 200 gia đình cán bộ, chiến sĩ nữ). Số hộ gia đình có 2 thế hệ (có cả bố mẹ và con) chiếm tỷ lệ cao nhất 10.984 gia đình, số hộ gia đình có 3 thế hệ trở lên giảm dần, hiện nay còn khoảng 6.240 gia đình... 

 

Từ thực trạng trên, CAHN đặt ra một số vấn đề như: Quan tâm đến phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình; cần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị và các thành viên trong gia đình, cán bộ, chiến sĩ; giúp các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình.

 

Đặc biệt, quan tâm đến đời sống kinh tế gia đình của mỗi cán bộ, chiến sĩ CATP. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho thân nhân gia đình cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn nhằm giải quyết những nhu cầu căn bản của cuộc sống để cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác, tích cực xây dựng gia đình hạnh phúc.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn