6 tháng đầu năm, TPHCM xử lý hàng giả trị giá hàng trăm tỷ đồng
Tổng số vụ đã thu phạt và nộp ngân sách là 1.637 vụ, thu nộp vào ngân sách: 37 tỷ đồng (tăng 150,46% so với cùng kỳ năm trước), trong đó có gần 30 tỷ đồng tiền phạt hành chính, trên 6 tỷ đồng tiền bán hàng tịch thu và xấp xỉ 1 tỷ đồng tiền phạt truy thu số lợi bất hợp pháp. Đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá 30 tỷ đồng (tăng 93% so với cùng kỳ năm trước). Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 102 tỷ đồng. Chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự 08 vụ (trong đó, có 04 vụ hàng giả, 03 vụ hàng lậu và 01 vụ hàng cấm), đang xem xét là 08 vụ, ước tính trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 5,2 tỷ đồng.
Theo Tổng cục QLTT, hiện người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua sắm trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử. Do đó, đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ cũng sẽ dịch chuyển lên không gian mạng. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất của công tác quản lý việc kinh doanh trên thương mại điện tử là tỷ lệ cá nhân, tổ chức đăng ký, thông báo theo đúng quy định khi tham gia vẫn còn rất thấp, nhiều vấn đề phát sinh chưa quản lý được. Các đối tượng kinh doanh trên mạng xã hội đã làm giả hoặc sao chép mã số, mã vạch xác định nguồn gốc hàng hóa, dán lên sản phẩm rồi tập kết, cất giấu tại kho, bãi. Trộn hàng thật với hàng giả, hàng rõ nguồn gốc với hàng không rõ nguồn gốc để lừa khách hàng.
Theo nhận định, đánh giá của Cục Quản lý thị trường TPHCM, thời gian tới, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử và các trang mạng xã hội như facebook, zalo… sẽ phát triển theo chiều hướng tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa.
Nhằm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường internet, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, thời gian tới, lực lượng chức năng, trong đó chủ công là Quản lý thị trường đã đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Đặc biệt là phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, các cảng cạn...
Người tiêu dùng luôn ở thế yếu trong quan hệ mua bán
Bên cạnh việc các đối tượng kinh doanh online với nhiều chiêu trò tạo ra nhiều hình thức thu hút người tiêu dùng thì chính bản thân người tiêu dùng cũng chưa nâng cao ý thức khi mua bán online, ý thức tố giác tội phạm còn e dè…, góp phần tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa trái pháp luật.
Để có thêm thông tin, góc nhìn đối với vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, Chủ tịch Công ty CP Phát Triển Khoa học Công nghệ Vi Na (Vina CHG), doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái.
PV: Xin chào ông. Là người tham gia công tác chống hàng giả, hàng nhái nhiều năm ở những vai trò khác nhau, theo ông vì sao người bán hàng có thể buôn bán trót lọt hàng tấn hàng trong các kho hàng giả trong nhiều năm, mỗi ngày một rầm rộ, rao bán rất thản nhiên trên không gian mạng?
- Do sự sơ hở của cơ quan quản lý nhà nước. Trong quá trình kiểm soát thiếu sự chặt chẽ. Và các chủ nhãn hiệu bị làm giả họ cũng không lên tiếng. Họ không lên tiếng, không phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước. Họ bán hàng giả ầm ầm trên mạng, chả nhẽ mình là chủ lại không biết. Họ biết nhưng họ làm ngơ.
PV: Vì sao họ lại làm ngơ thưa ông? Có thể họ bất lực vì không cảm thấy được bảo vệ?
- Cái đó tôi không biết. Chỉ có họ mới trả lời được câu hỏi đó. Nhưng với suy nghĩ của tôi thì không thể nào bất lực vì đó chính là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chính công ty mình, của mình. Mà đã là của mình thì mình phải tìm mọi cách để lên tiếng, để xử lý.
PV: Đứng ở góc độ doanh nghiệp chuyện sản xuất tem chống giả, bao bì chống giả trên 20 năm, xin ông chia sẻ giải pháp hữu hiệu nhất để chống hàng giả.
- Theo tôi thì có 5 nhóm giải pháp đồng bộ như sau:
Thứ nhất là KHCN chống hàng giả ứng dụng trên tem và ứng dụng trên bao bì, nhãn chống giả.
Thứ hai, phần mềm truy vết đường đi sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, phần mềm quản trị hệ thống bán hàng - chống bán lấn tuyến, lấn vùng, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác chống giả. Phần mềm VINA CHECK.
Thứ ba là giải pháp điều tra và xử lý hàng giả, tức là công ty có một công ty Luật hỗ trợ doanh nghiệp, có đội ngũ nhân viên hỗ trợ điều tra hàng giả. Sau khi điều tra thu thập có đầy đủ thông tin chuyển cho các cơ quan quản lý nhà nước để cơ quan nhà nước có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật.
Thứ tư là giải pháp truyền thông, tuyên truyền trên các kênh truyền thông của công ty, tổ chức các hội thảo, các buổi tập huấn, đào tạo, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý thị trường địa phương trung ương, tổ chức các hội thảo tuyên truyền hàng thật hàng, hàng giả. Đặc biệt tuyên truyền để người tiêu cùng không mua, không tiếp tay cho người sản xuất hàng giả. Và tuyên truyền để doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật, trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ đảm bảo ngăn chặn sao chép làm giả sản phẩm.
Thứ năm, giải pháp tạo ra hệ sinh thái chống giả giữa cơ quan quản lý nhà nước và Vina CHG cơ quan truyền thông, các hiệp hội để đồng hành, chia sẻ và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tập huấn, đào tạo truyền thông rộng rãi. Hàng năm Vina CHG phối hợp với cục QLTT các tỉnh, các địa phương, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, ban chỉ đạo 389 các tỉnh tổ chức hội thảo tuyên truyền nhằm tạo sức lan toả để mọi người ý thức được, đặc biệt là nạn hàng giả trên sàn thương mại điện tử, trên nền tảng số,rất phức tạp, rất khó kiểm tra, khó xử lý. Và đối tượng tổ chức thì rất khôn ngoan, rất có tổ chức. Họ đưa ra chiêu trò bán hàng hấp dẫn để lôi kéo người tiêu dùng, từ đó họ bán hàng giả của các thương hiệu nổi tiếng.
PV: Mong muốn của ông khi tham gia điều tra hàng gian hàng giả là gì?
- Đó là giúp cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở pháp lý để điều tra hàng giả, đặc biệt là các công nghệ tem chống hàng giả và bao bì chống hàng giả. Thứ 2 là giúp doanh nghiệp làm ăn chân chính có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu. Con tem là giúp cho việc phát hiện hàng giả nhanh nhất, các công nghệ chống giả in trên bao bì là phát hiện ra hàng giả nhanh nhất. Vì bao bì là cái làm giả đầu tiên. Và bao bì chiếm 80% trong quyết định mua hàng của khách hàng. Bao bì hấp dẫn, bao bì bắt mắt, ấn tượng…, những loại hàng hoá có bao bì như thế rất dễ bị làm giả.
PV: Theo ông nhóm sản phẩm nào hay bị làm giả?
- Các nhóm hàng thực phẩm chức năng như yến sào là một trong những mặt hàng làm giả kinh khủng khiếp. Đặc biệt là khi phong trào ăn yến bồi bổ rộ lên. Nói vậy để thấy, những mặt hàng bán chạy rất dễ bị làm giả. Và thông thường những mặt hàng tiêu dùng liên quan đến ăn uống thì lại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, ảnh hưởng đến thương hiệu và môi trường sản xuất, thuế và môi trường kinh doanh. Chính sách và chế tài thường chậm hơn thực tế.
PV: Quan điểm của ông về các biện pháp chế tài trong xử lý hàng gian hàng giả?
- Hiện nay luật của Việt Nam chồng chéo, cơ quan quản lý gặp khó khăn trong xử lý. Chế tài chưa đủ mạnh, vẫn có kẽ hở và có những khung, mức xử phạt chưa mang tính chất triệt để. Đối với tội phạm làm hàng giả phải xử lý nghiêm và đánh giá mức độ nghiêm trọng không thua mua bán ma tuý. Lí do vì có những sản phẩm thực phẩm làm giả rất độc hại. Người tiêu dùng mua và sử dụng sẽ gây hại cho sức khoẻ, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trước nay chủ yếu vẫn là xử phạt hành chính, không đủ sức răn đe với mức phạt vài triệu, vài chục triệu đồng trong khi sản xuất và kinh doanh hàng giả có thể kiếm lời hàng trăm hàng ngàn lần, siêu lợi nhuận. Chưa nói đến những hành vi bảo kê, tiếp tay cho việc sản xuất, kinh doanh hàng giả của một số cá nhân, tổ chức cơ quan có trách nhiệm.
Không có cách nào khác ngoài việc phải làm triệt để, đặc biệt khi chúng ta đang ứng dụng chuyển đổi số vào mục tiêu phát triển đất nước, với yêu cầu hàng đầu là minh bạch thông tin, góp phần lành mạnh hoá môi kinh doanh trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài, giảm thiểu thất thu thuế, tạo ra công ăn việc làm, để người dân, người tiêu dùng yên tâm mua hàng thật với chất lượng tốt.
PV: Chia sẻ với người tiêu dùng về hàng giả, ông sẽ nói gì?
- Tôi cho rằng người tiêu dùng đừng ham hàng giá rẻ, đừng tiếp tay cho hàng giả, vừa hại sức khoẻ, mất tiền, mất niềm tin. Nếu có tiền, cần tìm hiểu và đầu tư kiến thức để nhận diện và sử dụng hàng thật. Cố gắng tránh và thận trọng với hàng trôi nổi rao bán trên mạng xã hội. Người tiêu dùng nên vào các trung tâm lớn, những nơi bán hàng có uy tín để có thể tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Với nhà sản xuất, cần chú trọng giải pháp chống làm giả để bảo vệ thương hiệu của mình ngay từ đầu.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn