“Bảng xếp hạng đại học chỉ thiên về nghiên cứu!”

14:35 | 08/09/2017;
Đó là nhận định của ông Phạm Hiệp – chuyên gia nghiên cứu giáo dục, liên quan đến bãng xếp hạng ĐH đang gây tranh cãi. Ông cho rằng, khối trường ứng dụng không có gì phải bận tâm vì bảng xếp hạng chỉ thiên về yếu tố nghiên cứu.

Dữ liệu có đáng tin cậy?

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Phạm Hiệp, chuyên gia giáo dục – nghiên cứu sinh ĐH Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc) đã có những chia sẻ thẳng thắn về bảng xếp hạng đại học đang gây tranh cãi dư luận.

Bảng xếp hạng với 49 trường đại học ở Việt Nam do một nhóm chuyên gia độc lập công bố chiều 6/9 đã gây kinh ngạc khi nhiều ĐH trẻ ở vị trí cao, trong khi đó khối trường hàng tốp đầu như Bách khoa HN, Ngoại thương… lại lẹt đẹt ở vị trí trung bình.

Nghiên cứu sinh Phạm Hiệp (phải) chia sẻ về bảng xếp hạng đại học tại VN đang gây tranh cãi. Ảnh NVCC

Điều mà dư luận quan tâm là những chuyên gia này dựa vào những tiêu chí nào để xếp hạng và liệu những tiêu chí ấy có đáng tin cậy hay không. Từng là thành viên của Nhóm S4VN – một nhóm từng công bố về xếp hạng ĐH ở VN nhưng chỉ tập trung nội dung nghiên cứu khoa học, ông Phạm bày tỏ sự ủng hộ nỗ lực và quyết tâm của nhóm thực hiện bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, ông thừa nhận bảng xếp hạng này có nhiều vấn đề cần bàn luận. Bởi khi tung ra kết quả, có hai vấn đề được đề cập đến: dữ liệu có tin cậy và chỉ số có phù hợp hay không?

“Về dữ liệu, tất nhiên bảng xếp hạng nào ra đời cũng sẽ gặp những câu hỏi và phản ứng. Bảng xếp hạng Times 2017 làm hơn 10 năm rồi và uy tín bậc nhất trên thế giới, vậy mà cũng gây ra cuộc tranh cãi cực kì lớn bởi năm nay đột nhiên ĐH Mỹ tụt hạng và ĐH hàng đầu của Anh nổi lên. Phản ứng là chuyện dễ hiểu” – ông Phạm Hiệp nói.

Theo ông, nhóm hiện chưa có khảo sát riêng với các trường như tỷ lệ sinh viên có việc làm/đánh giá của nhà tuyển dụng;  đây là sự khác biệt của nhóm đối với bản xếp hạng của Times hay các bảng xếp hạng uy tín khác. Hơn nữa, các bảng xếp hạng trên thế giới thường tự đi khảo sát, trong khi nhóm này sử dụng dữ liệu có sẵn. Điều này có chút khác biệt so với thông lệ quốc tế.

Một khác biệt nữa được ông Hiệp phân tích là các bảng xếp hạng uy tín ít lấy tiêu chí về quản trị thị trường mà chỉ lấy về sản phẩm đầu ra. Những thông tin về quản trị thông thường ít được dùng cho bảng xếp hạng. Do thiếu sót so với thông lệ quốc tế nên có phản ứng là chuyện dễ hiểu.

Khối kinh tế không có gì phải “lung lay”

Nói về suy nghĩ của các trường tốp đầu khi xếp hạng khá thấp ở bảng xếp hạng, chuyên gia GD Phạm Hiệp cho rằng bảng xếp hạng này thiên về nghiên cứu nên có thể có trường nhìn bảng xếp hạng thấp họ buồn nhưng có trường cũng không thấy có vấn đề gì.

Theo ông Phạm Hiệp, đối với khối trường có định hướng giảng dạy, ứng dụng để đáp ứng nhu cầu nhân lực thị trường thì câu chuyện về bảng xếp hạng có 40% trọng số thiên về nghiên cứu có lẽ không khiến họ quá quan tâm, cũng như không ảnh hưởng gì đến tầm nhìn, chiến lược của các trường.

“Các trường Kinh tế không thể “ăn thua” được vì trường kinh tế phần nghiên cứu quá kém. Trong khi đó, phần này khối trường khoa học tự nhiên lại phát triển. Đó là chuyện bình thường. Còn một số ĐH trẻ như Tôn Đức Thắng hay Duy Tân, tôi quan sát các trường này tầm nhìn và chiến lược đều gắn với những tiêu chí bảng xếp hạng thì vị trí họ đẩy lên cao là điều dễ hiểu” – ông Phạm Hiệp cho hay.

Theo quan điểm của chuyên gia này, trường nào mà chiến lược, tầm nhìn không gắn với tiêu chí của bảng tiêu chí này thì không cần quan tâm. Nếu họ định hướng về học Online, không nghiên cứu thì vị trí thấp cũng không sao.

Còn những trường nào mà tiêu chí, định hướng trùng với bảng xếp hạng này thì nên xem xét, tham khảo nhưng cũng đừng tuyệt đối hóa quá. Bởi số liệu ở bảng xếp hạng uy tín nhất trên thế giới cũng nên nhìn ở góc độ tương đối. 

“Nếu là tôi, tôi sẽ không công bố bảng kết quả tổng mà chỉ công bố bảng thành phần. Thậm chí, bảng thành phần về nghiên cứu khoa học, về đào tạo cũng không công bố mà chỉ công bố ở từng điểm nhỏ như số lượng bài báo quốc tế, tỷ lệ giáo sư, tiến sĩ … Thay vì tập trung vào 1 con số (thứ tự xếp hạng), ta sẽ có 1 bộ 10 chỉ số để đánh giá 1 trường đại học, như vậy sẽ toàn diện hơn” – chuyên gia Phạm Hiệp cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn