Chị Bích Đào chia sẻ, sau gần 20 năm giảng dạy cũng như khám, chữa bệnh tai mũi họng tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ, Đại học Y Hà Nội, những ca bệnh mà người vợ mất tiếng sau… khẩu chiến trong gia đình không nhiều nhưng đều để lại ấn tượng sâu đậm trong chị.
Tiến sĩ Phạm Thị Bích Đào trong một ca tư vấn cho người bệnh
Bằng kinh nghiệm của mình, chị Đào đồ rằng, thanh quản của bệnh nhân kể trên bị ảnh hưởng do từng xảy ra “đại khẩu chiến”. Bởi không ít người chồng, sau khi vợ được điều trị xong, đã phải nhờ bác sĩ “dọa” giùm bà xã. Có ông còn tâm sự: “Vợ em hay nói lắm, chồng đi đâu về muộn là giận dỗi, la toáng lên. Em có nói lại mấy câu thì khóc ti tỉ, thậm chí gào to nên bị khàn tiếng. Hôm vừa rồi chả hiểu cô ấy ghen bóng ghen gió thế nào mà la hét, ảnh hưởng đến dây thanh. Vì thế, bác sĩ giúp em khuyên răn cô ấy dù không vừa lòng thì cũng đừng gào thét nữa”.
Thì thầm cũng dễ mất giọng
Thông thường, bệnh nhân nữ bị tổn thương dây thanh, trong đó có hạt xơ dây thanh, đa phần là người làm việc trong lĩnh vực mà thanh quản phải hoạt động nhiều như ca sĩ, giáo viên, diễn giả... Theo chị Bích Đào, 80% trường hợp đến “cậy nhờ” chị “bảo dưỡng” giọng nói là ca sĩ, giáo viên, trong đó có nhiều ca sĩ nổi tiếng.
Tiến sĩ Đào cho biết thêm, trong số những bệnh nhân bị mất giọng, dây thanh và thanh quản bị ảnh hưởng, nếu không làm các nghề mà dây thanh phải lao động với cường độ lớn như trên, thì có đến 80% bệnh nhân là nữ. Nếu trường hợp dây thanh hoạt động ít mà bỗng dưng hét nhiều thì dễ bị đứt dây thanh. Lý do là dây thanh không được luyện thường xuyên, bị tác động đột ngột, dễ phải chịu ảnh hưởng xấu.
Cũng có trường hợp dây thanh bị ảnh hưởng ngay cả khi chủ nhân nói rất nhỏ. Theo chị Bích Đào, mọi người cứ tưởng nói thầm không ảnh hưởng đến giọng nhưng thực ra, thì thầm tác động rất xấu tới thanh quản. Bởi để nói thầm thì cần có sự nỗ lực rất lớn của dây thanh mới tạo được giọng thầm. Khi nói thầm, lượng sức mà dây thanh phải bỏ ra cũng ngang với nói to, hét to.
Lựa lời mà nói cho “vừa” dây thanh
Nói như thế nào để bảo vệ dây thanh, không mất giọng, thậm chí tránh được ung thư thanh quản là cả vấn đề mà không phải ai cũng tường tận. “Có lần tôi từng bất lực vì mất giọng. Tôi vừa là giảng viên, vừa là bác sĩ. Gần thời gian lên lớp dạy lý thuyết thì tôi không thể nói to được, mà cố nói thì đau họng kinh khủng. Việc lên giảng đường thì có thể nhờ đồng nghiệp nhưng chiều hôm đó, tôi có lịch khám cho bệnh nhân. Do các đồng nghiệp đều bận, tôi cố đi khám vì nghĩ rằng, chỉ cần khám, soi, kê đơn để bệnh nhân mua thuốc về uống là được. Song, hôm ấy, các bệnh nhân hỏi rất nhiều mà mình không nói được nên cảm thấy bất lực và có lỗi với người bệnh”, bác sĩ Đào chia sẻ.
Từ thực tế của bản thân và người bệnh, chị Đào đã cùng Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan, giảng viên khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, viết cuốn sách về giữ gìn giọng nói. “Hầu hết sinh viên thanh nhạc, ban đầu giọng rất tốt nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó thì mất giọng. Nguyên nhân là các em sử dụng giọng không hợp lý, ảnh hưởng đến dây thanh, thậm chí làm xơ dây thanh”, chị Ngọc Lan cho biết. Đó là một trong số những lý do chính khiến chị và bác sĩ Đào mày mò, bỏ nhiều công sức viết cuốn sách dự kiến sẽ phát hành đầu năm 2015.
Ngồi cạnh đó, chị Đào thêm vào: “Viết sách với nhà báo, nhà văn… thì có lẽ đơn giản nhưng với chúng tôi thì khó như lên trời. Vì thế, cuốn sách chỉ dày hơn 100 trang nhưng 2 chị em phải mất hơn 1 năm để hoàn thành. Tuy khó nhưng chúng tôi cũng cố gắng, nhằm chia sẻ chút bí quyết giúp mọi người lựa lời mà nói để không ảnh hưởng đến dây thanh. Người bị tổn thương dây thanh, khi nói phải gắng sức hơn. Bình thường, lúc ta nói, không khí từ phổi đưa lên sẽ ít hơn nhưng khi dây thanh bị tổn thương, lượng không khí qua phổi sẽ nhiều hơn nên dễ ảnh hưởng đến phổi. Ngoài ra, bạn còn dễ bị mất giọng, ảnh hưởng đến công việc, thậm chí dây thanh, thanh quản có nguy cơ bị ung thư. Lúc này, người bệnh không chỉ dễ mất hẳn giọng mà còn ảnh hưởng đến tính mạng”.
TS Phạm Thị Bích Đào (Bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ) |
Bên cạnh nói sai cách, dây thanh có thể bị ảnh hưởng do viêm nhiễm đường hô hấp. Nếu bị tổn thương thực thể (có bệnh lý tại dây thanh), khoảng 20% trường hợp tổn thương nhẹ sẽ phục hồi gần như bình thường; còn lại thì không cải thiện được nhiều, dù sử dụng các biện pháp luyện giọng cũng như can thiệp bằng thuốc, phẫu thuật… Do đó, muốn bảo tồn giọng, phải giữ gìn được thanh quản, nơi có nhiều bộ phận tạo ra âm thanh, trong đó dây thanh đóng vai trò chính. Hơn nữa, lời nói được hình thành nhờ sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể: Thanh quản tạo ra âm thanh, âm thanh được khuyếch đại nhờ các khoang cộng hưởng vùng đầu mặt cổ, dưới sự chỉ huy của não bộ các bộ phận cấu âm như lưỡi, răng, môi tạo ra các từ và câu... Bất kỳ tổn thương nào ảnh hưởng tới một trong số những bộ phận đó đều làm cho giọng nói không hoàn chỉnh hoặc mất đi. Vì thế, để bảo vệ giọng nói, bên cạnh tránh làm tổn thương đến dây thanh, cần bảo vệ các bộ phận trên. Ngoài ra, muốn bảo vệ họng, bạn nên uống chanh gừng nóng nhưng chỉ 1 cốc/ngày hoặc ngậm chanh đào ngâm mật ong khi thấy rát cổ; uống nước giá đỗ luộc ấm hoặc trà gừng. Tránh thói quen xấu ảnh hưởng đến dây thanh: Không la hét, nói to, nhiều trong một thời gian dài; hạn chế nói; đằng hắng hay khạc nhổ; không nên thức quá khuya; sinh hoạt điều độ; hạn chế ăn uống đồ lạnh, rượu, bia hoặc ăn quá cay, nóng; tránh để bị viêm họng... Chi phí cho mỗi lần "bảo dưỡng" giọng nói tùy thuộc vào mức độ bệnh. Nếu tổn thương nhẹ chỉ khoảng 1 triệu đồng/ca; còn tổn thương nặng, phải can thiệp bằng phẫu thuật thì khoảng vài chục triệu đồng/trường hợp. |