Bệnh khiến ca sĩ Quang Lý đột tử nguy hiểm thế nào?

17:19 | 01/12/2016;
Thông tin NSƯT Quang Lý đột tử sáng 1/12 do nhồi máu cơ tim khiến nhiều người hâm mộ bất ngờ. Vốn không mắc bệnh gì nặng, buổi sáng nam ca sĩ vẫn đi tập thể dục với vợ, nhưng rồi ông mất đột ngột ngay sau đó.
TS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch, BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết: Nhồi máu cơ tim là một thể bệnh nặng của bệnh tim thiếu máu cục bộ, với bản chất là đã có biến đổi thực thể - hoại tử một vùng cơ tim.
ca-si-qly.jpg
Ca sĩ Quang Lý đột tử do nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có thể đột tử bất cứ lúc nào, kể cả khi bạn vui chơi, nghỉ ngơi, làm việc. Nhiều trường hợp người bệnh đã có bệnh lý tim mạch, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì… nhưng chưa điều trị hoặc có điều trị nhưng không chú ý đến chế độ dinh dưỡng, lối sống và luyện tập. Trên thực tế, nhiều người bỏ qua những triệu chứng báo hiệu nguy cơ nhồi máu cơ tim như đau thắt ngực, vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, bất tỉnh, mệt nhọc, khó thở, tái nhợt, tim đập mạnh… cho đến khi xuất hiện một cơn nhồi máu cơ tim thì đã quá muộn.

Tử vong của nhồi máu cơ tim xảy ra với tỷ lệ cao nhất vào giờ đầu tiên. Bởi vậy, việc chạy đua với thời gian là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng của bệnh nhân.

Dấu hiệu báo trước: Đau thắt ngực, vã mồ hôi...

Nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim là do máu đông hình thành làm tắc động mạch vành khi mảng xơ vữa bị nứt, vỡ ra. Ngoài ra, tình trạng co thắt mạch vành cũng có thể làm ngừng trệ dòng máu dẫn dến nuôi cơ tim. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh cảnh, trong đó 90% do xơ vữa động mạch vành đến từ các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, những người thường xuyên bị sang chấn về tinh thần…

Các bác sĩ sẽ kiểm tra cụ thể tình hình để đưa ra hướng điều trị cho người bệnh. Để phòng nhồi máu cơ tim, mọi người nên ăn uống hợp lý, tập luyện thể thao; cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, không hút thuốc lá, giữ cân nặng ở mức độ phù hợp, hạn chế rượu, bia…

Khi người thân có những dấu hiệu báo trước như đau thắt ngực, vã mồ hôi, mệt mỏi… thì cần để bệnh nhân bất động (hạn chế tối đa các cử động của bệnh nhân) và đưa đến cấp cứu tại các bệnh viện càng sớm càng tốt.

"Biện pháp điều trị cơ bản, hữu hiệu nhất đối với nhồi máu cơ tim chỉ có tác dụng nếu tiến hành sớm, nhất là biện pháp làm “tan huyết khối mạch vành” bằng các thuốc tiêu sợi huyết, đặc hiệu trong 2 giờ đầu tiên hoặc 4 giờ đầu tiên của nhồi máu cơ tim, quá 6 giờ thì không có tác dụng nữa vì vùng hoại tử đã lan toàn bộ bề dày của thành tâm thất, gọi là nhồi máu cơ tim xuyên thành", TS Hùng cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn