Bệnh nhi viêm màng não mủ thoát tay tử thần

10:54 | 21/08/2015;
Theo lý thuyết, bé Việt nhiều nguy cơ bị di chứng với bệnh viêm màng não mũ, nhưng với nỗ lực của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, sau hơn 50 ngày điều trị, bệnh nhi đã tỉnh táo.
Bé Đồng Quốc Việt (8 tháng tuổi, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định) vào viện sau khi đã sốt và tự điều trị tại nhà hai ngày, điều trị tại Bệnh viện (BV) huyện Hải Hậu năm ngày bằng các thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh (BV huyện chẩn đoán bé bị sốt virút). Tuy nhiên sau năm ngày điều trị tại BV huyện bệnh nhi vẫn sốt cao liên tục, gia đình đã đưa bệnh nhi lên tuyến T.Ư.

Ngày 26/6, nhập khoa Nhi, BV Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, khó thở, bỏ bú, tiêu chảy, cổ mềm. Ban đầu BV cho rằng bệnh nhi bị bệnh viêm phổi. Tuy nhiên, các bác sĩ thấy bé lờ đờ nên nghi ngờ bị viêm màng não mủ. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành chọc não tủy xét nghiệm. Kết quả cho thấy, bé bị viêm màng não mủ.

Các bác sĩ đã dùng kháng sinh liều cao và kéo dài; bơm tĩnh mạch kéo dài 3 giờ; đặt sonde dạ dày để đảm bảo dinh dưỡng và hạn chế nôn; truyền dịch đầy đủ, điều chỉnh điện giải và thăng bằng kiềm toan.
Bác sĩ Phạm Văn Hưng (khoa Nhi của BV) kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi Đồng Quốc Việt
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Cố vấn khoa Nhi của BV, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, cho biết, viêm màng não mủ nếu phát hiện trong 3 ngày đầu sau khi có biểu hiện thì điều trị khá đơn giản. Nếu phát hiện trong thời gian từ 3 đến 7 ngày thì khả năng để lại di chứng rất cao. Nếu phát hiện muộn hơn, thì chắc chắn sẽ có di chứng. Riêng trường hợp bé Việt, bệnh được phát hiện sau 9 ngày điều trị, theo lý thuyết, chắc chắn sẽ để lại di chứng.
 
Nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ, sau hơn 50 ngày điều trị, bệnh nhi đã tỉnh táo, chơi đùa, đặc biệt là không có di chứng.

Chị Phạm Thị Thắm, mẹ cháu Việt, cho biết: “Có lúc bác sĩ cho biết tiên lượng xấu nên gia đình đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Không ngờ, các bác sĩ đã giành lại sự sống cho con tôi, lại không còn di chứng nữa”.

Chị Phạm Thị Thắm, mẹ cháu Việt, cho biết: “Có lúc đã tiên lượng xấu. Vậy mà không ngờ, các bác sĩ đã giành lại sự sống cho con tôi, lại không còn di chứng nữa ”.
Theo PGS Dũng, bệnh viêm màng não mủ rất khó phát hiện. Bởi những chẩn đoán lâm sàng bệnh viêm màng não mủ ở trẻ dưới 1 tuổi thường khác người lớn. Cụ thể, người lớn bị bệnh này có biểu hiện đau đầu, gáy cứng, táo bón nhưng với trẻ khởi đầu là tiêu chảy, co giật, rồi hôn mê.
 
PGS Dũng cho biết, nếu sử dụng kháng sinh tùy tiện trước khi đến bệnh viện, hầu hết bệnh nhiễm trùng đều giảm hoặc mất triệu chứng đặc thù khiến bác sĩ khó chẩn đoán hơn, thời gian điều trị kéo dài hơn.

Trường hợp của bé Việt, bệnh nhi đã dùng nhiều kháng sinh nên làm mất các dấu hiệu của bệnh viêm màng não mủ. Các bác sĩ phải dựa vào kinh nghiệm, cũng như phân tích dịch tễ học mới phát hiện ra bệnh.

Trong khi đó, PGS Dũng cho biết thêm, hiện có tới 80 - 90% bệnh nhi đã được cho uống các thuốc khác nhau trước khi vào viện, với ba lý do chính là cha mẹ mua thuốc theo kinh nghiệm, theo chỉ dẫn của người quen và theo hướng dẫn của hiệu thuốc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn