Là người văn minh, ai cũng hiểu rằng trên đời này không có bất cứ nghề nghiệp nào là thấp hèn. Tuy nhiên, đáng tiếc rằng, dù xã hội có tiến bộ đến đâu đi chăng nữa, đâu đó vẫn tồn tại không ít cá nhân chẳng những không văn minh mà còn kém duyên đến cùng cực khi xem thường, bỉ bai nghề nghiệp của người khác.
Là một “nạn nhân” trong vụ việc tương tự, mới đây một cô lao công giấu tên tại Nhật Bản đã chia sẻ trải nghiệm đáng nhớ của mình trong quá trình dọn dẹp nhà vệ sinh như sau:
Dọn dẹp nhà vệ sinh không phải là một công việc dễ dàng nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Vốn cũng là một dân công sở như bao người, vậy mà do công ty tái cấu trúc vào 6 năm trước, tôi đã bị sa thải.
Tôi vẫn còn nhớ như in lý do mà sếp đưa ra khi đuổi việc tôi, đơn giản chỉ vì tôi là phụ nữ, một người phụ nữ đã có tuổi luôn nằm trong danh sách ưu tiên sa thải mỗi khi công ty có biến cố. Thật chua chát làm sao!
Vậy là từ đó, tôi bắt đầu gắn bó với nghề dọn dẹp nhà vệ sinh. Dù không thể nói công việc của mình tuyệt vời nhưng tôi biết ơn vì bản thân vẫn còn có thể lao động chân chính để kiếm tiền và vẫn có người chấp nhận tin tưởng giao việc cho tôi.
Năm tới là tôi bước sang tuổi 55 rồi, thật may mắn khi ở tuổi này, người ta bắt đầu lo nghỉ hưu còn tôi ngày ngày vẫn tạo ra giá trị và giúp ích cho người khác bằng cách dọn dẹp nhà vệ sinh thật sạch sẽ.
Tôi biết với nhiều người khác, một bà cô như tôi chẳng qua cũng là “không khí” mà thôi, không đáng quan tâm, miễn sao nhà vệ sinh sạch sẽ là được. Mà không quan tâm cũng chẳng sao, như thế có khi lại tốt, ít ra là tốt hơn chuyện mà tôi đã trải qua vào năm ngoái...
Thời điểm ấy, tòa nhà văn phòng nơi tôi làm việc bắt đầu bước vào mùa tuyển dụng các sinh viên trẻ mới ra trường. Không khí tấp nập lắm và tôi cũng vất vả hơn.
Khi tôi dọn dẹp bên nhà vệ sinh nam bỗng có 2 chàng trai trẻ bước vào. Nhìn thấy tôi đang lúi cúi lau dọn, họ phá lên cười rồi bảo với nhau: “Trên đời vẫn có công việc như thế này sao, thật không hiểu nổi. Cứ như rác thải ý, thật kinh tởm”.
Tôi giả vờ không nghe thấy. Tôi cố nén lại tất cả tức giận của mình. Tôi nghĩ nếu tôi phản ứng lại hoặc làm điều gì đó điên rồ hơn, có lẽ tôi đang tự biến mình thành “rác rưởi” như hai cậu sinh viên ấy nói.
Tôi chọn cách kiên nhẫn với trái tim mình....
Và rồi đột nhiên có một người khác bước vào sau khi nghe hết những lời nói không hay đấy. Cậu ta có vẻ cũng lớn tuổi hơn 2 đứa trẻ sinh viên. Cậu ta nhìn tôi, rồi quay sang nói với hai chàng trai:
“Có phải các bạn đang đi xin việc không? Nếu thế thì các bạn chẳng có lấy nổi công việc nào ở đây đâu. Các bạn thật bất lịch sự và hiểu sai ý nghĩa của cái mà người ta gọi là việc làm.
Có những người làm những việc mà không ai muốn làm như dọn dẹp nhà vệ sinh, để làm gì? Để cho các bạn có thể sử dụng mà không gặp bất kỳ sự bất tiện nào. Đừng dùng từ "rác rưởi”, bởi bản thân các bạn, suy nghĩ của các bạn mới là rác rưởi.
Nếu không thể nói lời cảm ơn tới những người như cô ấy, hãy sử dụng nhà vệ sinh thật cẩn thận và ý tứ mà đừng thốt ra bất kỳ lời lẽ không sạch sẽ nào”.
Nói rồi, cậu trai ấy liếc nhìn thẻ đeo trên cổ của hai sinh viên. Hình như đó là thẻ đánh số thứ tự tham gia ứng tuyển công việc. Cậu trai bất giác cười và nói tiếp: “Đúng thật là các bạn đang có buổi phỏng vấn nhỉ? Logo trên thẻ của các bạn là công ty của tôi đấy, hẹn gặp các bạn tí nữa, chúng ta sẽ nói thêm về chuyện này”.
Trong một khoảnh khắc tôi không thể hiểu ý nghĩa của câu nói trên. Tuy nhiên, hai sinh viên đại học sớm nhận ra người vừa giáo huấn họ chính là chủ tịch của công ty nơi họ tham gia phỏng vấn.
Thành thật, tôi đã gặp cậu ấy vài lần khi dọn dẹp vệ sinh ở đây nhưng tôi không biết anh ta là chủ tịch của công ty. Và tôi cũng không biết sau đó, cuộc gặp giữa họ sẽ như thế nào với kết quả ra sao.
Mà tôi cũng chẳng cần biết nữa, tôi chỉ biết giữa nhiều người xấu, xem việc dọn dẹp vệ sinh là thấp hèn thì cũng có một người thật sự tốt, đứng ra bảo vệ tôi và cho tôi biết rằng, việc mình làm thật sự có ý nghĩa.
Vài hôm sau đó, tôi có gặp lại cậu trai chủ tịch, cậu ta mỉm cười chào hỏi và nói với tôi: “Cảm ơn cô vì luôn giữ nhà vệ sinh sạch sẽ!”. Tôi suýt bật khóc vì câu nói ấy…
Trên là toàn bộ câu chuyện được đăng tải trên một trang tin tức Nhật Bản cách đây không lâu.
Qua đó, hy vọng rằng những ai vẫn còn nuôi nấng trong đầu mình các “suy nghĩ không sạch sẽ” khi so sánh và xem thường nghề nghiệp của người khác: Hãy tỉnh ngộ và sớm tiếp cận với sự văn minh trong đạo đức của nhân loại!
Một cô lao công, một bác bảo vệ, một chú xe ôm, một cụ già buôn gánh bán bưng,... Tất cả họ làm công việc mà bạn nghĩ bạn không thể làm, vậy thì hãy dành cho họ sự tôn trọng mà họ xứng đáng nhận được.
(Nguồn: Grapee Japan)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn