Bí quyết phê bình không làm tổn thương con

11:45 | 04/12/2017;
Để trẻ được sống và phát triển nhân cách một cách hài hòa, toàn diện, các bậc cha mẹ cần nắm rõ hơn các phương pháp giáo dục nói chung trong đó có cách phê bình- để trẻ không bị tổn thương khi nghe.

mang-con.jpg
Khi muốn khuyên răn hay phê bình điều gì con làm chưa tốt, cha mẹ cần phải nhẹ nhàng, mềm mỏng

Phê bình cũng như "nêm gia vị"

Cha mẹ lo lắng cho con cái là chuyện hết sức bình thường, nhưng nếu lo lắng quá đà hay can thiệp quá sâu lại vô tình tạo cho trẻ những áp lực. Khi muốn khuyên răn hay phê bình điều gì con làm chưa tốt, cha mẹ cần phải nhẹ nhàng, mềm mỏng.

Giữa cha mẹ và con trẻ cũng cần có sự tin tưởng nhất định, bởi lòng tin là cây cầu nối liền khoảng cách giữa các thế hệ, là trợ thủ đắc lực để giải quyết vấn đề trong những thời điểm then chốt.

Trong giáo dục gia đình hiện nay thường bắt gặp những trường hợp trẻ dù bị phê bình, nhắc nhở nhiều lần cũng không có sự thay đổi, vẫn khăng khăng làm theo ý mình, thậm chí có trẻ còn cãi lại cha mẹ hoặc trước mặt thì “vâng vâng, dạ dạ”, nhưng sau lưng thì đâu lại vào đấy. Phụ huynh không nên coi nhẹ mà bỏ qua vấn đề này.

Khi trẻ không vâng lời, cha mẹ không nên cứ liên tục trách móc hay quát tháo trẻ mà cần chú ý đến kỹ năng phê bình sao cho khéo léo và hiệu quả để trẻ biết sửa chữa lỗi lầm mà không bị tổn thương.

- Cha mẹ nên giữ thái độ bình tĩnh, ân cần. Phương pháp tốt nhất là dùng lý lẽ thuyết phục khiến trẻ tuân theo một cách tự giác và cách tác động của cha mẹ phải nhất quán trước sau như một.

Mục đích của phê bình là giúp trẻ nhận ra được sai lầm, khuyết điểm, những thói quen xấu để sửa chữa. Nhưng nếu phê bình, mắng mỏ quá lạm dụng một cách vô cớ thì sẽ là con dao hai lưỡi khiến trẻ ức chế mà trở nên trơ lì, chống đối.

Trước khi phê bình cần nắm rõ tình hình, nguồn cơn của sự việc, không nên nghe theo người khác hoặc chỉ từ phía trẻ mà hiểu nhầm dẫn đến trách mắng, phê bình con một cách phiến diện, một chiều.

Nếu phê bình thiếu chứng cứ xác thực, trẻ sẽ thấy bị oan ức nên không phục. Hình ảnh tốt đẹp về cha mẹ trong mắt trẻ cũng bị ảnh hưởng. Tuyệt đối, cha mẹ không được phê bình con trước mặt đông người, vì làm như thế sẽ khiến lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương nghiêm trọng.

- Phải tỏ thái độ dứt khoát, rõ ràng. Không ít cha mẹ phê bình con bằng thái độ kẻ cả, bề trên khiến con cảm thấy rất ức chế. Những câu nói thể hiện sự đồng cảm sẽ dễ đi vào lòng người hơn và trẻ sẽ tự nhận thấy những thiếu sót, khuyết điểm của bản thân mà không phải chịu áp lực quá lớn.

Khi phạm lỗi, một đứa bé ngoan sẽ rất buồn lòng, nếu cha mẹ phê bình thêm sẽ quá sức chịu đựng của trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy bất an và do dự, làm việc gì cũng sợ mắc sai lầm, khuyết điểm. Do đó, cha mẹ hãy bình tĩnh giảng giải cho chúng hiểu những lỗi của mình, và cùng con tìm ra phương hướng khắc phục hiệu quả nhất.

- Phê bình phải có mức độ, lựa chọn cách tác động thích hợp. Có không ít bậc cha mẹ cứ thấy con mắc lỗi không phân biệt lớn hay nhỏ đều phê bình, trách mắng, thậm chí còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần khiến trẻ cảm thấy bực bội, chán nản.

Mục đích cuối cùng của giáo dục là để giúp trẻ tiến bộ. Cho nên, cha mẹ chỉ phê bình trẻ có mức độ, sai lầm nào của trẻ nếu đã nhắc nhở rồi không nên “phát” lại nhiều lần.

Phê bình trong giáo dục giống như gia vị trong nấu ăn, cha mẹ phải biết “nêm nếm” một cách vừa phải đủ để trẻ thấu hiểu tác dụng mà thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Bằng tình yêu thương, bao dung của mình, cha mẹ hãy chỉ cho trẻ thấy những sai lầm, hướng dẫn trẻ cách khắc phục, ngăn chặn và tăng cường kiểm tra để hình thành thói quen tốt cho trẻ biết xử lý tốt những sai lầm mà mình gặp phải. Đó cũng là cách để giáo dục con sống có trách nhiệm với bản thân.   

mang-con2.jpgCha mẹ phải để trẻ hiểu rõ rằng, trẻ mắc lỗi thì phải chịu phê bình, nhắc nhở để tiến bộ chứ không phải vì chuyện đó mà cha mẹ không còn yêu chúng nữa.

Luôn sát cánh bên con

Theo các chuyên gia tâm lý, khi phê bình con, cha mẹ trước hết phải cho trẻ thấy những mặt tốt mà con cần phát huy, sau đó mới chỉ ra sai lầm mà chúng mắc phải. Cần để trẻ nhận thấy cha mẹ luôn nhìn nhận con một cách toàn diện.

Cũng cần phải đặt mình vào vị thế của con rồi mới xét đoán và đưa ra lời phê bình “Nếu mình là con, mình có hành động như thế không?”.

Sau khi phê bình con, cha mẹ cần kịp thời động viên và khích lệ chúng. Không nên quay lưng, bỏ mặc hoặc để trẻ tự xoay xở trước những lỗi lầm của mình.

Nếu có kế hoạch đi chơi cùng con trước đó thì dù trẻ có mắc sai lầm cũng không nên hủy bỏ dự định. Phải để trẻ hiểu rõ rằng trẻ mắc lỗi thì phải chịu phê bình, nhắc nhở để tiến bộ chứ không phải vì chuyện đó mà cha mẹ không còn yêu chúng nữa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn