Bí quyết rèn sự tập trung cho trẻ

16:13 | 05/08/2015;
Tập trung vào một nhiệm vụ thường là điều không hề đơn giản, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Sau đây là những bí quyết giúp bé có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả.

Nhiệm vụ khả thi

Thông thường, nguyên nhân khiến trẻ mất tập trung vào nhiệm vụ của mình là do nhiệm vụ đó quá dễ hoặc quá khó. Vì vậy, cha mẹ hãy lưu ý kỹ về hoạt động dành cho con và đảm bảo rằng những nhiệm vụ đó ở mức độ phù hợp với độ tuổi của trẻ. Ngoài ra, một thực tế của cuộc sống mà chúng ta cần chấp nhận là có những việc dù tẻ nhạt, nhàm chán, không có tính thách thức nhưng ta vẫn phải làm.

Hãy giúp trẻ hiểu rằng đôi khi chúng ta phải làm cả những việc không hề vui vẻ hay thú vị gì. Đồng thời, sẽ có ích hơn nhiều nếu bạn cho con biết rằng trẻ càng sớm hoàn thành những nhiệm vụ kém thú vị đó thì sẽ càng có nhiều thời gian dành cho những hoạt động thú vị hơn.

Chia nhỏ nhiệm vụ lớn

Một bí quyết giúp tăng cường khả năng tập trung của trẻ là phân chia nhiệm vụ lớn ra thành các nhiệm vụ nhỏ hơn. Những nhiệm vụ quá lớn có thể áp đảo tinh thần trẻ và khiến trẻ bị choáng ngợp. Chúng ta hẳn từng trải qua cảm giác không biết phải bắt đầu từ đâu trước một nhiệm vụ nào đó. Chia nhỏ nhiệm vụ sẽ giúp trẻ có cảm giác rằng cả quá trình thực hiện nhiệm vụ lớn chỉ là việc hoàn thành từng phần nhỏ.

Một bí quyết giúp tăng cường khả năng tập trung của trẻ là phân chia nhiệm vụ lớn ra thành các nhiệm vụ nhỏ hơn. Ảnh minh họa

Hạn chế sự sao nhãng

Hãy cho con ở một nơi hoàn toàn yên tĩnh khi cần trẻ tập trung. Cha mẹ cần lưu ý rằng trẻ chưa có được khả năng loại bỏ sự sao nhãng giống như người lớn. Tiếng tivi, thậm chí là từ phòng bên cạnh, cũng khiến trẻ mất tập trung. Một chút nhạc nhẹ nhàng trong không gian có thể giúp ngăn chặn những âm thanh gây mất tập trung xung quanh trẻ.

Lập mục tiêu

Mục tiêu có thể là một cách tuyệt vời để rèn luyện khả năng tập trung của trẻ. Khi trẻ tự đặt ra các mục tiêu của riêng mình, với sự hướng dẫn và phần thưởng của cha mẹ cho việc đạt được mục tiêu đó, thì những mục tiêu có thể trở thành động lực tuyệt vời để trẻ cố gắng tập trung cao độ.

Tránh quá tải

Trẻ sẽ choáng ngợp và cảm thấy quá tải nếu bị giao cho hết nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác. Hãy chắc chắn rằng trẻ có đủ thời gian nghỉ ngơi, giúp trí óc còn non nớt của trẻ có thể thư giãn và phục hồi sau mỗi hoạt động.

Biết trước về sự thay đổi

Cha mẹ thường phải đối diện với một khuôn mặt bí xị của đứa con 5 tuổi khi thông báo với con rằng đã đến lúc rời công viên, nhà bà ngoại hay tụ điểm vui chơi nào đó. Bạn sẽ phát hiện ra rằng bé sẽ dễ dàng chấp nhận hơn nếu được thông báo trước về thời điểm cần đi. Vì vậy, khi bạn muốn con mình chuyển sự tập trung từ hoạt động này sang hoạt động khác, hãy đưa ra thông báo trước vài phút. Ví dụ, nếu trẻ đang chơi trò luyện trí nhớ nhưng lại sắp tới giờ tập đàn thì hãy báo trước cho trẻ khoảng 5 phút. Nhờ thế, sự thay đổi sẽ dễ dàng hơn và con bạn có thể tập trung vào nhiệm vụ mới nhanh hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn