Kết quả cho thấy có 108/904 mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn, chiếm tỷ lệ 11,95%. Trong đó, xã Phú Nghĩa chiếm 9,19% (26/283 mẫu xét nghiệm), xã Đăk Ơ 14,9% (48/322 mẫu xét nghiệm), xã Bù Gia Mập chiếm 11,37 % (34/299 mẫu xét nghiệm). Như vậy, đã phát hiện tổng cộng 108 người mắc sán dây lợn ở khu vực này.
Phân tích nguyên nhân, phó giáo sư-tiến sỹ Lê Thành Đồng cho rằng do tập quán chăn nuôi lợn thả rông, ăn uống, sinh hoạt của người dân trong khu vực này chưa đảm bảo, cụ thể là ăn thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Trước đó Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành xét nghiệm những con lợn nghi ngờ bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn (lợn gạo) tại địa phương này, kết quả cho thấy các mẫu thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán với mật độ rất cao (50-70 nang ấu trùng/kg thịt).
Hiện Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo cho y tế địa phương về tình trạng trên để phối hợp tổ chức phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. “Điều đáng lo ngại là tình trạng nhiễm bệnh này có thể xảy ra ở nhiều địa phương có phong tục, tập quán và tình trạng chăn nuôi lợn thả rông tương tự như ở các xã của huyện Bù Gia Mập mà chưa được phát hiện,” phó giáo sư-tiến sỹ Thành Đồng cho hay.
Bệnh sán dây, ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành, gây ra các triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Để phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống (nguy cơ bệnh ấu trùng sán lợn). Đồng thời, người dân cần thực hiện vệ sinh các lò mổ, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông./.