Ông Thái có 3 người con trai, không có con gái. Vợ chồng thèm mụn con gái nhưng 3 lần sinh và 4 lần sảy đều là con trai. Thế nên ông bà xem các con dâu như con gái. Có một điều rất kỳ lạ là đứa cháu nào cũng quấn lấy ông nội như “nghiện”. Nhiều khi bố mẹ bế trên tay chúng cũng không ngủ mà phải ngủ trên tay ông nội rồi ông đặt trả về giường của bố mẹ. Bọn trẻ con hàng xóm cũng “theo” ông Thái như... phải “bả”. Thế là nhiều khi người ta trách các con ông “vụng về” để bố già khổ sở vì cháu.
Bà Mùi, vợ ông Thái cũng là một người phụ nữ hiền lành, thương người. Nhưng bà không thuộc tuýp phụ nữ chi tiết, chu đáo hay khéo léo. Sức khỏe của bà sau thời mãn kinh cũng suy sút nhiều. Nên ông Thái cũng phụ trách cả việc nội trợ thay vợ, thậm chí cho cả con vì chúng đi làm suốt.
Các con dâu đều từ nơi xa tới nên khá được ông bà cưng chiều. Con dâu ốm, người ta thấy bà giặt quần áo, có khi ông giặt. Buổi sáng người ta thấy ông hay mua trứng vịt lộn mà người quen thì đều biết ông bà sợ không dám ăn từ xưa. Hóa ra, ông mua để bồi bổ cho con dâu vì “trông nó gầy quá”. Mỗi khi gia đình quây quần đông đủ, ông cũng thường làm bếp trưởng, các con làm bếp phụ còn vợ ông chơi với đám cháu. Mọi người bảo làm vợ, làm dâu ông Thái thật sướng!
Ông Thái lại là người đàn ông duy trì được phong độ dù đã gần thất thập. Thói đời, khi thấy một ai đó có nhiều ưu điểm thì người ta bỗng sinh nghi, càng cố tìm ra điểm đáng chê. Và đúng là nhiều người xung quanh rảnh dỗi bỗng sinh nghi: “Một người đàn ông phong độ thế, ở với bà vợ mãn kinh già và yếu ớt, không đảm đang, xinh đẹp, vậy mà vẫn thật vui vẻ. Lại còn nội trợ, chăm cháu cho các con nữa. Có gì đó không đúng”. Rồi cái sự không đúng ấy được người ta nghi ngờ khi thấy ông Thái giặt đồ cho con dâu mới đẻ, lại còn sáng nào cũng đi chợ mua thức ăn rất chu đáo, toàn thấy ông chở con dâu đi trạm xá tiêm phòng, đi khám bệnh...
Thiên hạ đôi khi không hiểu sự tội lỗi của những lời dị nghị nên sinh nghi thì họ cứ nói. Họ còn ác miệng đồn, hay ông có vấn đề với nàng dâu cả? Vợ ông không ghen tức nhưng giận dữ: “Lũ thiên hạ ác mồm. Nhưng ông cũng thôi chiều chúng nó đi. Chiều rồi có lúc chúng nó lại nhờn, nó cứ tưởng mình phải chăm bẵm chúng nó ấy”.
Ở nhà, bình thường bà Mai vẫn giặt đồ cho con dâu và cháu nhưng khi bà ốm thì ông giặt. Ông bảo: “Chồng nó thì đi xa, mấy đứa em dâu thì đi làm công nhân tối khuya mới về, bà thì ốm, tôi là bố chúng nó, tôi không làm thì để chất đống đấy cho hôi hám, cho hại con hại cháu à? Nghe thiên hạ làm sao được. Họ nói thì kệ họ”. Các con trai đi làm xa, nên việc ông chở con dâu và cháu đi tiêm, đi chữa bệnh là việc ông nên làm để “chồng chúng nó còn tập trung làm ăn, nhờ hàng xóm thì còn ra gì nữa. Chúng nó là con tôi mà”...
Thế rồi mỗi lần đứa con dâu nào ốm đau, ông cũng là người đầu tiên đưa chúng đi viện. “Bố đưa mày đi, bà ở nhà lựa lời nói với chồng nó, đừng để nó sốt ruột quá đi đường hấp tấp lại khổ ra”. Và thế cũng mới xảy ra chuyện người ta tưởng chồng già đưa vợ trẻ đi viện. Người nào có tâm trong sáng thì nghĩ ông là bố đẻ.
Nhưng lẽ nào vì thiên hạ mà chúng ta lại hời hợt với người thân của mình! Con dâu ông nói: “Lúc đầu cũng ngại lắm, nhiều khi với bố đẻ mình cũng chẳng được như thế, bố chồng con dâu cũng là chuyện tế nhị mà. Nhưng ở lâu với ông bà thì thấy thật phước đức, mẹ chồng thì hiền, bố chồng lại chu đáo số 1”.