Bộ Ngoại giao thông tin vụ nữ công dân Việt Nam 'mắc kẹt' ở Paris
23:17 | 23/01/2019;
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đang làm việc với Văn phòng Luật sư để tìm hiểu thêm về vụ việc cô Phạm Thị Tuyết Mai bị bắt giữ vì nghi là tội phạm ma túy. Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cập nhật thông tin và kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, bảo hộ công dân.
Liên quan đến thông tin công dân Việt Nam, cô Phạm Thị Tuyết Mai, bị bắt giữ khi nhập cảnh vào Pháp, hiện các cơ quan tư pháp Pháp đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định đối với cô Mai. Tòa Phúc thẩm Paris đã cho phép cô Mai tại ngoại và áp dụng một số biện pháp kiểm soát tư pháp.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán đã liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan của Pháp, đồng thời tham khảo ý kiến văn phòng luật sư tại Pháp để tìm hiểu thêm thông tin, quy trình xử lý của pháp luật sở tại và được biết:
Cô Phạm Thị Tuyết Mai bị cảnh sát biên giới Pháp bắt khi nhập cảnh vào Pháp theo Lệnh bắt giữ châu Âu nhằm thi hành bản án 4 năm tù về tội “buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện” trong thời gian từ 01/10/2010 đến 10/05/2011, do Tòa Tư pháp Bỉ tuyên ngày 08/05/2013.
Hiện nay, các cơ quan tư pháp của Pháp đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định. Ngày 19/12/2018, Tòa Phúc thẩm Paris đã cho phép cô Mai tại ngoại và áp dụng một số biện pháp kiểm soát tư pháp.
Trả lời báo chí ngày 23/1, ông Bùi Đăng Quân - Phó trưởng phòng bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao - cho biết: Các cơ quan tư pháp của Pháp đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của EU theo thủ tục Lệnh bắt giữ châu Âu.
Đại sứ quán làm việc với Văn phòng Luật sư Vatier tại Paris để tìm hiểu thêm về vụ việc và yêu cầu Văn phòng Vatier hỗ trợ cô Mai. Văn phòng đã nhận hỗ trợ chị Mai theo đề nghị của Đại sứ quán và bản thân cô Mai.
Tại phiên toà lần thứ hai vào ngày 9/1/2019, Đại sứ quán đã cử đại diện tham dự phiên tòa.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tiếp tục theo dõi sát vụ việc, trao đổi với các cơ quan chức năng liên quan cập nhật thông tin và kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, bảo hộ công dân.
Theo quy định của Liên minh châu Âu, trong vòng tối đa 60 ngày kể từ khi bị bắt, nước bắt giữ, trong trường hợp này là Pháp, các thủ tục tư pháp để chuyển giao người bị bắt cho nước phát lệnh, trong trường hợp này là Bỉ. Nếu tự nguyện, cô Mai sẽ được chuyển sang Bỉ trong vòng 10 ngày kể từ sau khi bị bắt. Nếu không tự nguyện, cô sẽ bị chuyển giao cho Bỉ 10 ngày sau khi có phán quyết của cơ quan tư pháp Pháp chấp thuận chuyển giao người bị bắt theo Lệnh bắt giữ châu Âu.
Quyết định chấp thuận thực thi lệnh bắt giữ và chuyển giao người bị bắt thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp, hoàn toàn độc lập và không chịu sự can thiệp của các yếu tố chính trị. Pháp chỉ có quyền từ chối chuyển giao cô Mai cho Bỉ trong một số trường hợp: Một là bị can đã bị xét xử với cùng hành vi phạm tội tại Pháp. Hai là bị can là trẻ em vị thành niên hoặc chưa đến tuổi chấp hành án hình sự tại Pháp. Ba là hành vi phạm tội hoặc bị can được hưởng ân xá đối với hành vi này tại Pháp.