Vì lý do sức khỏe nên bố mẹ Tùng chỉ sinh được mỗi mình anh. Nhà hiếm con nên lúc nào bố mẹ cũng mong Tùng sớm yên bề gia thất. Để chiều lòng bố mẹ, năm ngoái, khi vừa tròn 26 tuổi, Tùng quyết định đi đến hôn nhân với người con gái mà anh hẹn hò trước đó không lâu. Ngày Tùng đưa người yêu về gia đình ra mắt, bố mẹ mừng như bắt được vàng. Người yêu Tùng không chỉ có hình thức xinh xắn, dễ thương, công ăn việc làm ổn định mà trong cư xử, lời nói đều toát lên vẻ kín đáo, chừng mực và lịch sự.
Ngay sau khi tiễn nàng dâu tương lai về, mẹ Tùng vui quá, cứ cười nói suốt. Mẹ còn hứa với Tùng rằng sau này sẽ luôn yêu thương cô ấy như con gái của mẹ. Rồi đám cưới nhanh chóng diễn ra.
Mẹ Tùng vui mừng khi có con dâu mới (Ảnh minh họa)
Sau ngày cưới, đúng như lời hứa, mẹ Tùng luôn cố gắng niềm nở và tìm đủ cơ hội để trò chuyện thân thiết với nàng dâu. Tuy nhiên, Tùng nhận ra sự “đáp lại” của vợ mình không tương xứng với những gì mẹ mong muốn. Hàng ngày, ngoại trừ những lúc phải chào hỏi bố mẹ khi đi, lúc về và lên tiếng khi có việc thật cần thiết, còn lại, vợ Tùng thường chọn cách cười cười rồi im lặng. Cô luôn cố gắng không phiền đến ai, cố hoàn thành mọi việc được giao, thực hiện đầy đủ những trách nhiệm phải làm trong gia đình. Cô không bày tỏ cho bố mẹ chồng biết mình thích đi đâu, làm gì, có sở trường gì. Cô cũng không khó chịu, không cãi lời khi bố mẹ chồng cằn nhằn việc này việc kia một cách vô lý. Cô cũng không kêu ca với ai trong gia đình chồng mỗi khi bị mệt mỏi, đau ốm…
Lúc đầu, Tùng nghĩ chắc vợ là dâu mới nên cần phải có thời gian để học cách làm quen, hòa nhập. Nhưng nửa năm, rồi 1 năm trôi qua, mọi thứ liên quan đến cư xử của vợ trong gia đình Tùng vẫn không hề thay đổi. Cũng có lúc Tùng tế nhị góp ý với vợ nên cởi mở hơn nhưng vợ Tùng chỉ im lặng lắng nghe, không cãi, không thanh minh, không hứa hẹn. Sau đó, mọi giao tiếp của cô với bố mẹ chồng vẫn “yên tĩnh” y như cũ. Lúc này, Tùng lại chặc lưỡi, mặc kệ vợ, cho rằng đó là tính cách của cô ấy và nó không ảnh hưởng nhiều đến đời sống vợ chồng. Thậm chí, Tùng nghĩ rằng việc vợ ít chuyện, kiệm lời có khi còn là nguyên nhân khiến gia đình bớt nhức đầu, căng thẳng.
Vợ Tùng quá kiệm lời và sống khép kín khiến gia đình anh không có niềm vui thực sự (Ảnh minh họa)
Song, một lần Tùng đi làm về sớm hơn thường lệ và anh đã tình cờ nghe được câu chuyện của mẹ với người hàng xóm. Mẹ phàn nàn rằng suốt 1 năm qua, kể từ ngày con trai cưới vợ, bà luôn cảm thấy cuộc sống trong gia đình rất căng thẳng, áp lực. Việc con dâu sống quá kín đáo, xa lạ khiến những khao khát được chuyện trò, gần gũi, chia sẻ của mẹ trở nên vô duyên, bất lực. Mẹ luôn tự trách bản thân là không biết đã sai ở đâu khiến cho con dâu không muốn gần gũi? Bà nghĩ nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra thì cũng đến ngày ông bà phải tính đến chuyện đi thuê nhà ở riêng hoặc vợ chồng già đưa nhau về quê sinh sống để mẹ - con giải thoát cho nhau…
Tùng nghe xong, thấy thương mẹ vô cùng. Anh tự trách mình đã không đủ tinh tế cũng như sự nhạy cảm để nhìn nhận việc “quá kiệm lời” của vợ một cách thấu đáo. Tùng tự hứa không tiếp tục chặc lưỡi bỏ qua chuyện này được. Đã đến lúc anh cần phải nghiêm khắc góp ý với vợ để cô ấy thay đổi. Tức là cần phải biết sống cởi mở, hòa nhập với nhà chồng để mang lại cho các thành viên trong gia đình mới của mình những cảm nhận về sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu… Chỉ có vậy thì cuộc sống hôn nhân, gia đình mới thuận hòa, hạnh phúc.
Đừng quá kiệm lời - Khi đã kết hôn, nên cố gắng học cách tự thay đổi một phần tính cách, “cái tôi” của mình để có sự cởi mở, hòa nhập trong gia đình mới. - Chỉ có sự quan tâm, giao tiếp, chia sẻ giữa những người thân trong gia đình mới là những nhân tố tạo nên sự thuận hòa, gắn kết. - Nếu trong gia đình có người sống quá “kín đáo”, “lạnh nhạt” thì các thành viên khác cần thẳng thắn nhắc nhở, góp ý thường xuyên, kịp thời. |