Trước đây, nhà có của ăn của để thì việc chồng thơm thảo với người ngoài chị không quan tâm nhiều. Gặp họ hàng, không cần phải ngày lễ, Tết, anh cũng sẵn sàng mở ví biếu họ tiền. Đôi khi, những người không phải họ hàng, chỉ cần khen anh hay khen con cái anh, trong tay đang cầm thứ gì, anh cũng hào phóng tặng họ. Anh nổi tiếng “thơm thảo” nên bị không ít người lợi dụng.
Thế nhưng, từ ngày phá sản, lẽ ra anh phải biết tiết kiệm để lo cho con cái thì anh vẫn giữ nguyên cái tính thơm thảo với người ngoài. Anh mặc kệ chị phải gồng lên để lo cho các con ăn học. Anh nhờ chị vay nợ khắp nơi để bắt đầu công việc mới. Vậy mà, khi chị họ của anh ốm, anh không ngần ngại lấy tiền đang làm ăn, là tiền vợ vay cho, để lo cho chị họ. Anh luôn thể hiện với mọi người, dù có khó khăn thì mình vẫn là người thơm thảo. Chỉ có chị, vợ của anh, phải “ngậm đắng nuốt cay” với tính thơm thảo của chồng. Bởi, con ốm, anh cũng chẳng bao giờ bỏ tiền mua thuốc cho con. Việc của nhà mình, anh ỉ lại hết cho vợ.
Mọi người ruột thịt khi biết anh phá sản đều khuyên anh cân đối chi tiêu, không thể dễ dãi như ngày còn “ăn nên làm ra”. Anh vẫn nằng nặc cho rằng, tính thơm thảo chính là “thương hiệu”, mới khiến anh “đẹp mặt” với người khác. Mới đây, chị cảm thấy vô cùng ức chế khi anh vay tiền vợ để “phân phát” cho người khác với lý do “lâu ngày không gặp họ”. Hay việc anh đi xa mua quà cho con nhưng khi gặp ai đó, anh sẵn sàng cho họ hết, mặc cho con chờ đợi, mong ngóng.
Chị không dám góp ý bởi anh sẽ đổ lên đầu chị tính ích kỷ, ki bo. Thế nên, trong khi chồng đẹp mặt với người ngoài thì chị âm thầm chịu khổ. Trong lúc phá sản, lẽ ra hai vợ chồng cùng biết vun vén, tiết kiệm chi tiêu, lo cho con cái thì chỉ có mình chị gồng gánh mọi việc. Nhiều khi quá mệt mỏi, quá stress với “cơm áo gạo tiền”, chị vô cùng ức chế và muốn bỏ quách người chồng chỉ biết “thơm thảo với hàng xóm”.