'Buộc thôi học do vi phạm giao thông' là trái luật

16:37 | 11/03/2016;
Đó là nhận định của luật sư Đặng Văn Cường về những yêu cầu của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội đối với các trường và học sinh sinh viên trên địa bàn thành phố.
Bản kế hoạch Tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục 2016-2020 vừa được Sở GDĐT Hà Nội ban hành. Kế hoạch này có nội dung: “Đối với nhà trường, để xảy ra tình trạng cán bộ, viên chức, nhân viên, HSSV vi phạm pháp luật, không có biện pháp xử lý kịp thời, không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm. 

HSSV vi phạm lần 1 sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2, HSSV sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú. Nếu HSSV đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần thì sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe".
Cảnh sát giao thông xử phạt học sinh vi phạm Luật Giao thông. Ảnh: Xuân Phú.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Pháp Chính (Hà Nội), hiện nay việc thi hành các hình thức khen thưởng hay xử lý kỷ luật đối với học sinh phổ thông thực hiện theo Thông tư 08/1988/TT của Bộ Giáo dục, và chưa có văn bản nào khác thay thế. Thông tư này không có quy định nào nói về việc buộc thôi học với học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Do đó, quy định hình thức kỷ luật buộc thôi học do vi phạm giao thông như văn bản của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Theo ông Cường, "Kế hoạch" của Sở Giáo dục Đào tạo phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật, ít nhất là văn bản của Bộ Giáo dục Đào tạo, Nghị định của Chính Phủ... chứ không thể tự đưa ra các quy định trái luật.

“Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Sở không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Loại văn bản có tên là "Kế hoạch" cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên sẽ không chứa đựng các quy phạm pháp luật có tính chất bắt buộc đối với các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật. Kế hoạch thực hiện pháp luật chỉ hợp lệ nếu được ban hành dựa trên các quy định pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành”, luật sư Cường phân tích.

Vì vậy, ông Cường cho rằng, nội dung bản kế hoạch về nội dung kỷ luật học sinh, sinh viên vi phạm giao thông này cần phải được xem xét lại.

Nhiều phụ huynh lẫn học sinh cũng phản ứng trước quy định trên. Một số người cho rằng việc xử phạt học sinh vi phạm giao thông là nhiệm vụ của cảnh sát giao thông, không liên quan đến Sở Giáo dục. Không ít bậc phụ huynh cho rằng nên nghĩ ra hình phạt khác, chẳng hạn như ngoài thời gian học phải đi lao động công ích cho trường. Việc cho học sinh nghỉ 1 tuần vừa phí thời gian lại có nguy cơ nảy sinh những hiểm họa khác.

Thậm chí, một thành viên mạng xã hội Facebook còn mỉa mai: “Ước gì được quay lại thời học sinh nhỉ, muốn nghỉ học chẳng cần xin phép chỉ cần vi phạm giao thông là được”.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội trả lời báo chí:

Mong phụ huynh ủng hộ.

Mặc dù đã áp dụng nhiều giải pháp nhưng thực trạng vi phạm Luật Giao thông trong giới học sinh, sinh viên ở Hà Nội chưa được cải thiện. Vì thế, Sở GD-ĐT Hà Nội phải đặt ra mức chế tài nghiêm khắc hơn.

Khi xây dựng văn bản này, chúng tôi cũng dựa vào quy định tại điều lệ trường phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành về xử lý kỷ luật với học sinh. Mức chế tài cao nhất trong văn bản vừa công bố cũng phù hợp với mức chế tài quy định tại điều lệ này với các hành vi tương tự.

Chúng tôi không dùng từ “đuổi học” mà buộc thôi học học sinh có thời hạn từ ba ngày đến một tuần, tùy theo mức độ. Việc đình chỉ học đối với học sinh nhiều lần vi phạm là hình thức kỷ luật cần để các em ý thức việc mình phải chịu trách nhiệm về lỗi mình gây ra. Trong thời gian đình chỉ, giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh phải có biện pháp quản lý, giáo dục học sinh.

Việc giáo dục an toàn giao thông không phải bây giờ các nhà trường ở Hà Nội mới làm. Nhưng bên cạnh các giải pháp mềm, vẫn cần có chế tài nghiêm khắc. Tôi mong truyền thông và các bậc cha mẹ học sinh ủng hộ.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn