Cụ thể, Hà Nội còn 4 ổ dịch, Hòa Bình 2 ổ dịch, Bắc Ninh 9 ổ dịch, Hà Nam 2 ổ dịch, Hà Tĩnh 6 ổ dịch và Yên Bái 1 ổ dịch (chưa qua 21 ngày).
Bên cạnh đó, cả nước hiện còn 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Đông Hải, huyên Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh (đã qua 16 ngày không có gia cầm mắc mới) và 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Tân Tiến, huyện Krông Păc, tỉnh Đắk Lắk (đã qua 15 ngày không có gia cầm mắc mới).
Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho biết từ đầu tháng 12/2018 đến nay, dịch bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh...), tổng số gia súc mắc bệnh là 2.388 con, chủ yếu là lợn thịt (2.372 con) mắc bệnh do chưa được tiêm phòng vắc xin.
Ông Long cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch lở mồm long móng, trong đó chủ yếu là do hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện và cấp tỉnh chưa chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời và chưa báo cáo đầy đủ theo quy định.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, còn nhiều tồn tại, bất cập, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện. Một số địa phương không lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm của cơ quan có thẩm quyền đã được chỉ định để xét nghiệm. Việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh và ở phạm vi rộng...
“Cục Thú y đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra xuống các địa phương và quán triệt tinh thần nếu địa phương nào giấu dịch sẽ bị xử lý," ông Long cho biết.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết sắp tới, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, các địa phương phải xử lý dứt điểm với những ổ dịch đã phát hiện, chỉ cần lợn có triệu chứng là được phép tiêu hủy, không cần chờ xét nghiệm, đồng thời hỗ trợ ngay cho bà con theo quy định.
"Bên cạnh đó, yêu cầu các tỉnh đang có dịch phải công bố dịch, trường hợp nếu dịch xảy ra nhỏ lẻ, lãnh đạo tỉnh yêu cầu tiêu hủy và hỗ trợ cho người dân như sau khi công bố dịch. Đối với các địa phương chưa có dịch, cần phòng dịch và phát hiện sớm. Khi lợn có triệu chứng, cần chủ động lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của bà con trong vấn đề phòng chống dịch," ông Thành nói.
Cục Thú y nhận định nguy cơ tiếp tục phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao.
Do đó, các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
Đối với bệnh cúm gia cầm, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng virus cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Vì vậy, các địa phương cần chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời; chủ động triển khai giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có dịch bệnh hoặc có mẫu giám sát cho kết quả dương tính với các chủng virus cúm gia cầm có nguy cơ gây bệnh ở gia cầm và gây bệnh ở người.