Các chương trình thí điểm giáo dục sẽ phải trình Quốc hội trước khi áp dụng đại trà

15:02 | 08/11/2018;
Đây là một trong những nội dung được đề cập trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội trình Quốc hội chiều 8/11. Những dự án mang tính thí điểm trong lĩnh vực này, theo tinh thần mới của dự luật sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, có quy trình rõ hơn.

Trước buổi thảo luận tổ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) vào chiều nay 8/11, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra về dự luật. Một trong những điểm đáng chú ý chính là việc thí điểm, thực nghiệm trong giáo dục sẽ có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn.

Theo đó, Ủy ban tán thành việc bổ sung quy định Chính phủ báo cáo các dự án thí điểm và trình Quốc hội quyết định trước khi áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công.

“Đồng thời, để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong triển khai thí điểm, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về nội dung, quy trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt của một đề án thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục” – ông Bình cho biết.

Trước đó, khi trình bày giải trình tiếp thu cho dự án luật, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng GD&ĐT, đại diện Ban soạn thảo khẳng định, ban soạn thảo đã bổ sung vào khoản 1 Điều 103 quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định triển khai đại trà sau khi thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc áp dụng đại trà sẽ có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước.

images680914_1.jpg
VNEN là một trong những mô hình thí điểm gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa 

Vấn đề về thí điểm giáo dục không phải lần đầu tiên gây nóng nghị trường khi thực tiễn cho thấy, rất nhiều chương trình thí điểm được tiến hành nhưng sớm bộc lộ sự thất bại, trong khi không có đánh giá tổng kết. Điều này khiến phụ huynh học sinh tỏ ra bức xúc khi họ cho rằng chính con em mình đang bị biến thành “chuột bạch” của ngành giáo dục.

Ngay ở kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV diễn ra vào tháng tháng 5/2018, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng QH cũng từng khẳng định, dự luật có nhiều điểm mà cơ quan này thấy chưa thuyết phục. Một trong những nội dung đó là vấn đề thí điểm trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, Ủy ban cho rằng, giáo dục là một lĩnh vực quan trọng, đối tượng và phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động lâu dài tới đời sống, xã hội. Do đó, cần cẩn trọng khi quyết định những thay đổi trong chính sách giáo dục, nhất là những chính sách liên quan đến bộ máy tổ chức, chương trình giáo dục…, cẩn trọng trong những hoạt động thí điểm, thực nghiệm trong quy trình xây dựng chính sách giáo dục.

Thực tế cho thấy, do thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, hạn chế; một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, riêng đối với ngành giáo dục, mọi thí điểm dù ở diện rộng hay hẹp đều có tác động quan trọng đến hình thành tính cách, kỹ năng, nhân cách người học. Vì vậy, thí điểm phải hết sức cân nhắc.

Chính lý do này, nhiều ý kiến cho rằng nhất thiết phải có điều khoản nào đấy trong Luật sửa đổi lần này về quy trình, trách nhiệm của các bên liên quan, liên quan đến vấn đề thí điểm trong giáo dục.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn