Nên duyên từ kẹp giấy nhỏ
Phạm Thị Hiếu sinh ra và lớn lên ở Thái Bình. Năm 1992, khi vừa tốt nghiệp THPT thì người bạn thân của Hiếu tên là Minh tâm sự, cô ấy quen mấy anh bộ đội đang công tác ngoài đảo Phú Quý. Rồi Minh nói với Hiếu, nếu Hiếu muốn làm quen thì gửi thông tin ra đảo. “Lúc đó, tôi kẹp mảnh giấy nhỏ ghi họ tên, địa chỉ rồi cài chung vào lá thư của bạn. Khi thư ra tới đảo, người bạn của Minh đưa mảnh giấy đó cho anh Bảy. Vậy là anh Bảy viết thư về làm quen với tôi”, Hiếu bồi hồi nhớ lại.
Sau đó, cuối năm Hiếu vào Bình Phước với người dì sinh sống và học Cao đẳng sư phạm. Hai người vẫn thư từ qua lại. Hiếu kể, ngày đó, một lá thư gửi đi thường một tuần mới ra tới đảo. Nếu sóng yên biển lặng thì thư đi thư về tầm nửa tháng sẽ tới. Còn khi biển động thì cả tháng trời mới nhận được hồi âm.
Không cùng nhau sánh bước, trò chuyện mà tình yêu của họ lớn dần nhờ những lá thư tay vượt sóng gió gửi cho nhau. Họ kể cho nhau nghe những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, công việc hay trong chuyện học hành. Nhớ về những kỷ niệm đẹp thủa nào, chị Hiếu vui vẻ nói: “Ngày đó, khi nhận được thư, chúng tôi thường reo hò và rất vui. Mấy người cùng phòng với tôi thường giấu những lá thư của anh Bảy và bắt khao. Thường thì tôi mua kem ký về để các bạn vừa ăn kem vừa đọc thư anh”.
Nghe vợ kể chuyện, anh Bảy nhìn vợ âu yếm rồi kể tiếp: “Năm 1992, khi đó tôi nhận được tờ giấy nhỏ ghi tên tuổi, địa chỉ của Hiếu, tôi liền viết thư trao đổi lại. Cứ khoảng một tuần tôi nhận được thư của cô ấy. Hôm nào tàu ra đảo là anh em trong đơn vị đều mong ngóng, canh chuyến tàu ra và chờ bưu tá đưa thư. Nhiều khi tàu ra trễ có khi dồn đọc mấy lá liền một lúc.
Anh em thường cùng nhau đọc thư và kể lại cho nhau nghe chuyện gia đình, tình yêu của mình trong đất liền”. Đặc biệt, có một lần khi con tàu cập bến, tôi nhận được thư của Hiếu: “Em mong anh và đồng đội cầm chắc tay súng để bảo vệ biển đảo. Em rất tự hào về anh! Vì anh là một chiến sĩ của đảo”.
Đọc đến đây tôi rất vui, qua mỗi cánh thư, tình yêu cứ thế lớn dần nhưng lại chưa lần gặp mặt. Phải 3 năm sau, nhân chuyến tham dự lễ “Thanh niên tiên tiến điển hình Đông Nam Bộ” ở thành phố Phan Thiết, tôi quyết định xin phép đơn vị thêm ít ngày vào Bình Phước gặp mặt người yêu”.
Chuyện tình đẹp như cổ tích
Kể từ lần đầu gặp mặt ấy, những cánh thư đi - về giúp hai người càng hiểu và thông cảm về công việc của nhau hơn. “Vượt qua khó khăn, đến năm 1997, chúng tôi chính thức kết hôn”, anh Bảy kể. “Khi nghe tin tôi báo về sẽ kết hôn, gia đình quá bất ngờ và vui mừng. Nghe câu chuyện kể của chúng tôi, mọi người cũng không dám tin đó là sự thật”, anh Bảy cho biết. Niềm vui vỡ òa đến với anh chị, khi tháng 11 năm 2000, chị Hiếu sinh con gái đầu lòng.
Chia sẻ về ý nghĩa tên gọi người con gái lớn, chị Hiếu bật mí: “Chúng tôi quen nhau, yêu nhau và nên duyên vợ chồng đều qua những lá thư vượt những con sóng xanh. Chính vì vậy khi con gái đầu lòng được sinh ra, chúng tôi quyết định đặt tên con là là Đoàn Ngọc Thanh Thư - lá thư xanh. Điều đó có nghĩa là thư của người lính mặc áo xanh, từ lúc quen đến lúc sinh con vẫn thư từ với nhau, để ghi nhớ về mối tình giữa vợ chồng chúng tôi”.
Cuối năm 2008, anh Bảy được điều chuyển về công tác tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước. Năm 2015, sau khi chia tách huyện Bù Gia Mập, anh về công tác tại Ban chỉ huy Quân sự huyện Phú Riềng. Đến nay, hai vợ chồng đã sống bên nhau 20 năm, hai thiên thần nhỏ đều chăm ngoan, học giỏi.
Chị Hiếu hiện là giáo viên trường Tiểu học Phú Riềng A với gần 25 năm công tác. Con gái đầu Thanh Thư của anh chị đang học lớp 12 chuyên Anh, trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước) với thành tích đáng nể: Hai lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen năm 2014 và 2015. Còn con gái út Đoàn Phạm Mẫn Quân (2012) đang học trường mầm non tư thục Búp Măng Non.