Một số bà bầu cho rằng trong thời gian mang thai “một người ăn cho hai người”, vì thế mà bồi bổ càng nhiều càng tốt. Điều này dẫn đến việc dư thừa chất dinh dưỡng, cân nặng tăng lên quá nhanh, có nguy cơ mắc các bệnh huyết áp cao, tiểu đường. Ngưỡng xác định cân nặng bà bầu đã tăng quá mức trong thời gian mang thai là tổng cân nặng vượt quá 80 kg, hoặc tăng hơn 20 kg so với cân nặng ban đầu.
Nhưng nếu cân nặng tăng lên quá ít, mẹ sẽ không đủ chất để nuôi dưỡng thai nhi trong bụng. Các mẹ cần chú ý ăn những thức ăn có khả năng hấp thu nhiệt lượng và protein với lượng phù hợp.
Các bà bầu tốt nhất chỉ nên tăng không quá 12 kg trong toàn bộ thời gian mang thai. Vào thời kỳ đầu mang thai, các mẹ tăng lên 2 kg là lý tưởng nhất. Đến gian đoạn giữa, thai nhi bắt đầu phát triển nhanh, lượng máu trong cơ thể người mẹ tăng lên, tử cung và vú cũng phát triển, tác dụng kích thích của hooc môn nữ sẽ làm tăng lượng tích trữ mỡ trong cơ thể. Giai đoạn này các bà bầu tăng thêm 5 kg là hợp lý. Ở giai đoạn cuối trong quá trình mang thai, sự phát triển chủ yếu tập trung vào thai nhi, cuống rốn và nước ối, lúc này các mẹ nên tăng 5 kg.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, đa số người trưởng thành mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp cao, béo phì, khối u, tinh thần không ổn định... đều liên quan tới các chất được tiếp nạp vào cơ thể khi còn là thai nhi. Do vậy bà bầu hãy điều chỉnh việc ăn uống một cách hợp lý để bé được khỏe mạnh ngay từ trong bụng mẹ.