Cần quy trình đánh giá năng lực cán bộ để xét tinh giản biên chế

15:15 | 25/05/2018;
Tại phiên thảo luận sáng nay, 25/5, về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, nhiều đại biểu "hiến kế" thực hiện sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế; đặc biệt cần có quy trình, cơ chế thật rõ ràng trong đánh giá cán bộ, công chức để xét tinh giản biên chế; cũng như có chính sách thu hút người tài về làm cho cơ quan nhà nước.

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay 25/5 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, đại biểu Phạm Thị Thu Trang, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng, để thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, “vấn đề trọng tâm và cơ bản là phải nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ, công chức”.

 

Theo đại biểu Trang, cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cần quan tâm hai vấn đề: Thứ nhất, “phải xây dựng quy trình, cơ chế thật rõ ràng trong đánh giá cán bộ, công chức”. Bên cạnh việc xây dựng tiêu chí, cách thức tổ chức đánh giá cần quy định rõ chế tài, cách thức sau đánh giá. Qua đó mới tinh giản được những người không đáp ứng yêu cầu công việc, phẩm chất đạo đức và khuyến khích tạo động lực để cán bộ, công chức nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ, phục vụ Tổ quốc, nhân dân.

201805241104057645_pham-thi-thu-trang-quang-ngai.jpg
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

 

Thứ 2, cần có cơ chế, chính sách cụ thể trong thu hút người tài, có đất tham gia làm việc cho cơ quan nhà nước. Theo đại biểu Trang, hiện nay sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức chủ yếu dựa trên lực lượng đội ngũ hiện có, nên về lâu dài phải có chính sách đủ mạnh để tiếp tục thu hút bổ sung vào hệ thống cơ quan hành chính nhà nước nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với thế giới, thực hiện có hiệu quả chính sách đối với người có tài năng.

Xem video phát biểu của Đại biểu Phạm Thị Thu Tran, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi:

Đại biểu Phạm Xuân Thăng, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Chi ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn quá lớn, kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm trên 50% tổng kinh phí hoạt động của các đơn vị. Nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên do chủ quan là chính. Nhiều người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp tinh gọn bộ máy tinh giản biên chế, quyết tâm chính trị không cao, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, chưa chủ động, sáng tạo, còn có tư tưởng ngại khó, ngại va chạm, sợ mất quyền lợi.

 

Đại biểu này đưa ra 6 giải pháp, cụ thể: đề nghị Chính phủ chỉ rõ kết quả về tinh giản biên chế trong báo cáo phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; chỉ rõ bộ, ngành, địa phương nào chưa hoàn thành chỉ tiêu đề ra là cho tới năm 2021, mỗi năm giảm ít nhất 2,5% bảo đảm đến năm 2021 giảm ít nhất 10% tổng biên chế được giao.

 

Đồng thời rà soát để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa với các đơn vị sự nghiệp công lập, trước hết là giáo dục đại học, cao đẳng dạy nghề, các cơ sở khám chữa bệnh, sự nghiệp khoa học, kỹ thuật.

can-bo-cong-chuc.jpg
Ảnh minh họa

 

Bên cạnh đó, có chính sách thỏa đáng cho những người trong diện tinh giản biên chế, nhất là những người có nguyện vọng xin nghỉ chế độ do sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn nhằm tạo điều thuận lợi cho tinh giản biên chế.

Đặc biệt, theo đại biểu Thăng, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức theo đề án vị trí việc làm, đảm bảo thực hiện nghiêm yêu cầu của trung ương về vấn đề này, coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn