Với nhiều người, giá cả để sửa 1 hoặc vài ổ khóa không phải là quá lớn, nên việc lựa chọn dịch vụ có “giá cả phải chăng” không hẳn là điều cần quá lưu tâm. Thay vào đó, bạn hãy chọn người thợ khóa có tay nghề tốt và đáng tin cậy ở một chừng mực nhất định. Hiện, dịch vụ sửa khóa rất dễ tìm kiếm, có thể là 1 tiệm sửa khóa lưu động ở đầu đường, 1 tờ rơi có ghi số điện thoại và địa chỉ trao tay ở những giao lộ, hay thông tin trên mạng ở các trang rao vặt… Sửa khóa là nghề làm ăn riêng lẻ nên không ai thành lập công ty, vì vậy sử dụng dịch vụ này buộc phải chấp nhận những dịch vụ nhỏ lẻ của các cá nhân - hầu hết là chưa có những bảo chứng về nhân thân. Mọi điều đáng lo ngại đều xuất phát từ yếu tố này.
Theo những người có kinh nghiệm, tốt nhất là nên “nhờ cậy” những người thợ sửa khóa ở gần nhà của bạn, từng “quen mặt” trong thời gian dài. Nếu tốt hơn, bạn hãy gọi những người đã đến sửa khóa cho nhà hàng xóm - được đánh giá là có tay nghề tốt và sau khi sửa khóa thì không có “sự cố” nào xảy ra, ví dụ có kẻ mở khóa đột nhập vào nhà… Tất nhiên, với thợ loại này thì chỉ có thể sửa những loại khóa thông thường, còn với những loại khóa cao cấp có tính bảo mật cao thì cần đến những thợ có tay nghề rất cao. Việc tìm ra những thợ loại này không dễ. Cần phải tham khảo ý kiến của nhiều người đã sử dụng dịch vụ này và nên qua quá trình “sàng lọc” vài nơi để bằng trực giác tìm ra nơi đáng tin cậy nhất.
Để thợ khóa có thể nhanh chóng “hoàn thành nhiệm vụ”, tất nhiên là bạn phải cung cấp chính xác mật mã (nếu là khóa số, khóa chữ), hoặc cho phép họ “toàn quyền quyết định” trong việc mở, tháo hoặc phá ổ khóa. Mặc dù vậy, bạn cần có mặt trong suốt thời gian người thợ thao tác, ít nhất là để giảm thiểu nguy cơ rủi ro. Nếu thấy người thợ có biểu hiện nào đó có vẻ “không minh bạch” thì cần yêu cầu họ giải thích cho rõ ràng về việc làm của mình. Trong trường hợp bạn vẫn chưa thỏa mãn với câu trả lời (vì câu trả lời không rõ ràng, hoặc qua phân tích, bạn thấy có điều gì không ổn) thì tốt nhất nên dừng mọi việc lại để tìm 1 người thợ khác. Lúc này, bạn chỉ cần trả cho người thợ kia một khoản tiền nhỏ để bù đắp chi phí đi lại.
Nếu như mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, khóa được mở và thợ khóa sẽ tiến hành công đoạn làm chìa mới, hoặc sửa chữa những chi tiết bị hư hỏng, thì bạn cần tiếp tục theo dõi sát để đảm bảo số lượng chìa được đánh ra đúng với yêu cầu của bạn.
Tốt nhất là sau đó, bạn không nên tiếp tục sử dụng ổ khóa ấy mà hãy thay bằng 1 ổ khóa mới nếu ổ khóa đó được sử dụng cho những vị trí quan trọng như cửa chính ra vào, cửa phòng ngủ (nơi có để tủ hoặc két đựng tiền), cửa ra vào sân thượng… Như vậy, có thể bạn không cần đánh bộ chìa khóa mới để giảm chi phí.
Trước khi “chia tay” người thợ sửa khóa, bạn cần tự tay đóng - mở những ổ khóa vừa sửa, nếu thấy đạt yêu cầu thì mới thanh toán tiền, nếu chưa hài lòng thì yêu cầu người thợ chỉnh sửa cho đến khi bạn thật sự hài lòng. Bạn cũng nên lưu lại họ tên, số điện thoại, hỏi địa chỉ nơi ở của người thợ để có thể tiếp tục “nhờ cậy” trong những lần sau, hoặc có căn cứ để xử lý “sự cố phát sinh” (nếu có).
ĐỊA CHỈ CHO BẠN
Tại Hà Nội
Tại TP.HCM
|
Nguyễn Văn Minh (thợ sửa khóa, Q.Tân Bình, TP.HCM) Mức giá phổ biến hiện nay: Đến nhà mở và sửa khóa bằng khoảng 40-60% giá trị của ổ khóa. Ví dụ, ổ khóa có giá 300.000 đồng thì giá tiền công mở và sửa khoảng 120.000-160.000 đồng; giá đánh chìa khóa khoảng 20.000-50.000 đồng, tùy loại. Đối với các loại khóa mã thì mức giá khá đắt, có thể lên tới 500.000-800.000 đồng hoặc nhiều hơn, tùy theo độ khó của loại khóa. |
Hồ Thị Ngọc Anh (Q.3, TP.HCM)
Hiện có nhiều nơi cung cấp dịch vụ này nên bạn rất dễ tìm kiếm. Tuy nhiên, khi cần mở hay sửa khóa nhà, bạn phải chắc chắn rằng tìm được địa chỉ hoặc người thợ uy tín, trung thực, nhiều kinh nghiệm. Tuyệt đối không nên đưa chìa khóa nhà cho thợ, nếu không có mặt bạn. Khi đánh chìa khóa xong thì cần phải lấy lại ngay. Còn đối với khóa mã (khóa số, khóa chữ, khóa điện tử) thì sau khi thợ khóa ra về, bạn hãy tiến hành đổi mật mã. Bởi nếu không may gặp phải kẻ gian thì có thể bạn đã giao chìa khóa vào nhà cho chính kẻ trộm.
|