Cảnh giác với những biểu hiện khiến 6 người vừa bị tử vong

09:04 | 18/07/2019;
Sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát trong cả nước. Hiện toàn quốc đã có 6 người tử vong do mắc căn bệnh này.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có trên 87.000 người mắc sốt xuất huyết. Thời gian gần đây, căn bệnh này có dấu hiệu bùng phát mạnh ở 34 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ), sốt xuất huyết dễ gây tử vong nhưng nhiều người vẫn thiếu kiến thức nhận biết rõ những dấu hiệu của bệnh. Bác sĩ Cấp cho biết, sốt xuất huyết thường diễn biến nhanh, biểu hiện đa dạng, phức tạp. Bệnh được chia thành 3 giai đoạn.

 

sxh-6a.jpg
Xuất huyết da là một trong những biểu hiện điển hình của sốt xuất huyết

 

Giai đoạn sốt

Người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục; đau nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt.

Giai đoạn nguy hiểm

Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc giảm sốt. Bệnh nhân có thể bị các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt, gan to.

Ngoài ra, người bệnh còn bị xuất huyết dưới da ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím; xuất huyết ở niêm mạc; xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi… Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.

Giai đoạn hồi phục

Sau 24-48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân dần có dấu hiệu hồi phục như giảm hoặc hết sốt, thèm ăn, khát nước, đi tiểu nhiều, sắc mặt tươi tỉnh hơn, nhịp tim chậm lại và ổn định.

 

anh-sxh1.png
Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai

 

Cũng theo bác sĩ Cấp, sốt xuất huyết có các dấu hiệu cảnh báo diễn biến nặng như: Vật vã kích thích hoặc li bì; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; tiểu ít; đau đầu dữ dội; chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất hiện kinh nguyệt bất thường, kéo dài, đi ngoài phân đen, tiểu máu…

“Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh. Do đó, khi thấy người bệnh có những dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, đặc biệt là các biểu hiện nặng trên, cần đưa bệnh nhân đến các bệnh viện để được khám, theo dõi và điều trị. Tuyệt đối không được tự ý điều trị”, bác sĩ Cấp đưa ra lời khuyên.

Bác sĩ Nguyễn Tung Cấp cho biết thêm, sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu tiên dù sốt rất cao những có thể theo dõi và điều trị tại nhà. Từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 là giai đoạn lui sốt những có thẻ xuất hiện các biến chứng nặng. Giai đoạn này người bệnh cần được thử máu hàng ngày để đánh giá mức độ cô đặc máu và tình trạng hạ tiểu cầu.

Theo TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống trong nhà, gần người, những nơi tối. Muỗi thường đậu ở dây mắc quần, áo, mùng; quần áo phơi trong nhà. Muỗi đẻ trứng rồi nở thành lăng quăng/bọ gậy trong nước sạch.

Các ổ chứa lăng quăng chủ yếu là: Dụng cụ chứa nước sinh hoạt như lu, khạp, hồ chứa nước. Các vật dụng trong nhà: chân chén, bình bông, chậu kiểng. Vật phế thải xung quanh nhà: vỏ xe, lon nước ngọt, vỏ dừa, máng nước, chén hứng mủ cao su… Lăng quăng phát triển tốt nhất trong khoảng nhiệt độ 25oC-28oC. Các phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là ngủ màn và diệt bọ gậy.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn