Cặp vợ chồng dựng hàng trăm tượng sáp nghệ sĩ Việt

11:05 | 04/05/2017;
Đang rất thảnh thơi với cuộc sống đủ đầy, vợ chồng nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Văn Đông & Nguyễn Thị Diện bị “té ngã” vào một đam mê chẳng giống ai: Làm tượng sáp. Bao nhiêu giọt mồ hôi, bao nhiêu sự gắn kết và bao nhiêu câu chuyện đã tới…
"Ngã" vào đam mê tượng sáp

Căn villa rộng rãi nằm trên con đường nội bộ của Nhà Bè, TPHCM, phía trước có cây xoài lớn. Trên cây, trái treo lúc lỉu. Thấy tôi đang rất ngạc nhiên, người nhà của anh Đông - chị Diện nói, "trái giả bằng sáp đó cô". "Trời đất ơi, sao giống thiệt vầy nè. Kiểu này tụi nhỏ đi phá phách hái trộm, rồi sau đó bực bội liệng đá vô nhà quá!".
1nv-trai.JPG
Anh Đông - chị Diện bên tượng sáp MC Thanh Bạch
Anh Đông bước ra, cười cười: “Nhà này có xưởng làm trái cây mà. Giống hệt luôn, không khác xíu nào đâu!”. Đang rất hăng hái coi xoài, bước vô phòng khách, tôi bỗng giật mình. Nghệ sĩ Thanh Bạch đứng giữa nhà, nụ cười đặc trưng với đôi môi dày có tô son hồng như cách anh vẫn xuất hiện trên sân khấu.

Phía bên tay trái Thanh Bạch là nghệ sĩ hài Hoài Linh, Thanh Thủy, MC Bình Minh. Xung quanh đó, đầu của từng bức tượng làm dang dở để đầy nhà. Kiểu này ai vô nhà vào ban tối, chắc khóc không thành tiếng. Đến như chủ nhà, nghệ nhân Nguyễn Thị Diện, nói đã quen thuộc lắm rồi mà đi ra đi vô cũng vẫn cứ giật mình hoài.
2nv.JPG
2 vợ chồng tạo hình gương mặt cho tượng sáp
“Vào 1 ngày của năm 2000, tôi rảnh rỗi nên ngồi coi tivi. Đó là phóng sự truyền hình của nước ngoài nói về các nghệ nhân làm tượng bằng sáp. Các thước phim quay rất cụ thể, đi vào từng tiểu tiết khi nghệ nhân làm tượng. Tôi coi xong mê quá, nghĩ rằng người ta làm được, thì mình cũng phải làm được”, nghệ nhân Nguyễn Văn Đông kể lại.

Nghĩ là làm, anh Đông điện thoại cho bất cứ người bạn nào ở nước ngoài quen biết, tính vác sách đi theo học. Nhưng sau nhiều ngày, nhiều tháng chờ đợi, các bạn anh đều thất vọng cho biết, những nơi làm tượng sáp đều giữ bí quyết, không chịu truyền nghề. Anh Đông kể: “Khi biết không thể đi học được, tôi suy nghĩ nhiều lắm. Phải mày mò nghiên cứu để pha chế và tự làm thôi. Tôi ở trong nhà từ sáng tới đêm, không ra ngoài đường. Đến mức đường sá thay đổi cũng chẳng biết. Bữa đi qua Hàng Xanh, nhìn cây cầu vượt, tôi thấy lạ quá trời!”.
3nv.jpg
Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng (trái) và tượng của mình
Tập trung toàn bộ tâm sức cho việc pha chế các công thức để làm tượng sáp, đến năm 2010 thì nghệ nhân Nguyễn Văn Đông tìm ra được các hóa chất pha chế. Nhưng phải sau 2 năm, anh mới hoàn thiện được chất liệu để bắt tay thực hiện các bức tượng sáp như ý muốn.

Trước đây, vợ chồng anh Đông - chị Diện mở xưởng cùng làm về thủ công mỹ nghệ và tượng đá. Thuở nhỏ, anh Đông đã có khiếu nặn tượng và vẽ rồi, nên khi chuyển qua làm tượng sáp, thì mê quá là mê. Nhưng thú vị nhất là anh cũng phải có “chiêu” khi dụ bà xã cùng mê làm tượng chung. “Bả giữ tài chính mà, phải rủ làm chung chứ. Không thì ai mà chi tiền để mình mua các đồ thực hiện đây!”, anh Đông vừa cười vừa kể chuyện.
4nv.jpg
NSND Thế Anh (phải) bên tượng sáp giống như thật
Dở dang bức tượng cho chính mình

Hai bức tượng đầu tiên, vợ chồng họ tự… khắc cho nhau. Cả hai ngồi suốt đêm để làm. Ánh đèn điện hắt xuống nóng quá khiến chị Diện phải đối mặt với việc bị tàn phá nhan sắc khi da nám dần và mọc mụn nhiều trên mặt. Chị Diện cho biết, ban đầu thì ông xã khởi xướng điêu khắc tượng, sau đó thì chị cũng… mê man đi theo. Cả ngày cả đêm cặp vợ chồng nghệ nhân này ngồi chong đèn bên trong phòng thực hiện. Chỉ trừ những lúc đưa đón các con đi tới trường thôi, về tới nhà là ngay lập tức chị Diện thay đồ vào tập trung thực hiện điêu khắc.

Nhớ lúc làm bức tượng đầu tiên, về ông xã, cả 10 ngày trời mới xong phần đầu và mặt, thấy rất giống và đúng thần thái của anh Đông rồi, chị Diện vội vàng kêu chồng tới coi. Hai vợ chồng cùng thưởng thức tác phẩm, nhận xét chi tiết này, chi tiết kia. Rồi anh Đông quay qua quay lại một hồi, đụng vô dụng cụ. Đầu tượng rớt xuống cái bẹp. Chị Diện nhìn “thảm cảnh” mà tiếc đứt ruột. Và rồi đành bắt tay làm lại từ đầu, chứ biết phải làm sao!
5nv.jpg
NSƯT Hồng Vân và tượng sáp GS Trần Văn Khê
Nghe tin cặp vợ chồng nghệ nhân này thực hiện thành công tượng sáp, nên rất nhiều người tới hỏi han. Sau đó, dự án thực hiện các bức tượng sáp nghệ sĩ của anh Đông - chị Diện đã cuốn họ đi, khiến 2 bức tượng đầu tiên mà họ khắc dành tặng nhau đến tận giờ vẫn còn dang dở. 
6nv.jpg
Ca sĩ Lý Hải selfie cùng tượng của mình
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đông cho biết, giá thành để làm 1 tượng sáp khoảng chừng 200 triệu đồng. Nếu tính riêng việc làm tượng cho gần 200 nghệ sĩ Việt trên mọi lĩnh vực, cũng đã lên tới số tiền “khủng”. 30 năm tích cóp trong việc làm đồ mỹ nghệ và cũng có chút duyên buôn bán bất động sản, giờ được lấy ra chỉ để phục vụ niềm đam mê làm tượng sáp. Nhưng vì đồng vợ đồng chồng, nên không chẳng ai phải “cằn nhằn” ai cả. Hạnh phúc từ sở thích của cặp đôi này giờ rất giản đơn nhưng cũng vô cùng tốn kém. Nhưng nói như ngôn ngữ của giới trẻ trên mạng “thích thì làm thôi!”.

"Quan trọng nhất là đúc sao cho đôi mắt có thần"

Tượng sáp do anh Đông - chị Diện thực hiện, chịu được nhiệt độ trên 100 độ C. Bàn tay của nhân vật mềm mại hệt như ở ngoài đời. Tóc và râu cũng được lấy từ nguyên liệu thật, nên là phiên bản vô cùng giống người thật bên ngoài. Để có thần thái của nhân vật, không dễ dàng miêu tả bằng lời nói và câu chữ, bởi đó chỉ là cảm giác từ người nghệ nhân khi thực hiện tượng sáp.
7nv.jpg
Nghệ sĩ Hồng Tơ hào hứng với bức tượng quá giống anh
“Quan trọng nhất là đúc sao cho đôi mắt có thần. Con ngươi thì đổ khuôn giống nhau, nhưng mí mắt thì khác nhau. Khi tôi gắn con ngươi vô, phải quan sát nhân vật thiệt kỹ, hiểu được thần thái của nhân vật từ bức hình có sẵn. Khắc miệng cười của nhân vật khó gấp mấy lần không cười, bởi vậy mà vợ chồng tôi cứ tối ngày lúi húi trong phòng miết. Có biết gì ngoài đường, ngoài phố đâu!”, nghệ nhân Nguyễn Thị Diện tâm sự.

Anh Đông - chị Diện cũng chia sẻ, lẽ ra họ đã “nghỉ hưu” khi đang làm nhà vườn tại Bình Chánh và Đà Lạt để dưỡng sức sau nhiều năm bôn ba làm ăn kinh doanh. Nhưng khi đã “vướng” vào đam mê khắc tượng sáp, thì lại bỏ hết mọi thứ. Rất nhiều lần, cả anh cả chị đều nằm vật ra sàn ngủ thiếp giữa đêm khi đi tay vẫn cầm dụng cụ điêu khắc. Có lần lui hui chỉnh sửa tượng, đầu của nhân vật rớt ra trúng đầu của chị Diện khiến chị xây xẩm hết mặt mày, phải vội vàng tới bệnh viện chụp CT scan coi có bị chấn thương gì không.

Ở lứa tuổi trung niên nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Đông nói anh chưa thôi những khát vọng. Sắp tới, anh còn mong muốn làm nguyên 1 sở thú về các con vật bằng sáp, đảm bảo giống tới mức khó mà phân biệt được. Anh cũng tính làm đủ các món ăn của 3 miền Bắc - Trung - Nam, rồi trái cây, rồi hoa, rồi bọ cánh cứng, đương nhiên đều bằng sáp. “Chúng tôi cũng ấp ủ xây dựng 1 bảo tàng dân tộc, với các mô hình bằng sáp giống như thật, để khách du lịch và trẻ em có thể hiều hơn về văn hóa Việt Nam”, cặp vợ chồng nghệ nhân cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn