Do người kể muốn nâng cao “giá trị” thông tin, muốn mọi người phải chăm chú lắng nghe nên cứ túc ta túc tắc, rồi dậm mắm muối cho thêm “đậm đà”. Thế là từ chuyện nhỏ như con chuột nhắt, cuối cùng to đùng như trái núi.
Những câu chuyện "thêm mắm dặm muối" qua tai nhiều người đã không còn đúng sự thật (Ảnh minh họa)
Mới đây có chuyện ầm ĩ trong nhóm bạn tôi: Hôm họp lớp thời trung học, Tuấn bảo: “Mấy bạn có biết vì sao cái Yến vắng mặt hôm nay không? Mèn ơi! Tội ơi là tội. Thương ơi là thương”. Bạn bè nhao nhao: “Sao vậy? Kể đi, kể đi!”. Tuấn tằng hắng ra vẻ quan trọng: “Này nhá, chính mắt tớ từng trông thấy chồng của Yến chở cô nàng xinh ơi là xinh. Âu yếm lắm. Tình tứ lắm. Mà có phải mỗi mình tớ thấy đâu, vợ của tớ cũng thấy nữa. Mới đây, nghe nói vợ chồng Yến ly hôn rồi!”. Bạn bè liền gọi điện thoại tới tấp cho Yến nhưng điện thoại khóa máy. Vậy là mọi người tha hồ bình phẩm, phân tích, kết luận cứ như thể mình là người trong cuộc.
Rách việc nhất của lúc tường thuật luôn nằm gọn trong hai chữ “nghe đâu”. Ai muốn hiểu sao thì hiểu, vì người kể không quả quyết, kết luận gì. Rồi câu chuyện giật gân đó, lan truyền từ người này qua người nọ, tất nhiên đến tai “đương sự”. Yến kêu trời kêu đất, rõ ràng có chuyện chồng cô léng phéng nhưng 2 người đã dàn xếp ổn thỏa, chẳng hề có ly thân, ly hôn gì sất! Còn việc vắng mặt họp lớp chỉ vì hôm đó Yến bận công tác ở nước ngoài. Vậy là cô phải điện thoại đầu này, giải thích đầu kia. Dù vẫn biết khi lấy “câu chuyện làm quà”, Tuấn không hề ác ý gì nhưng rồi mọi việc trở nên rối mù, tổn thương bè bạn.
***
Nhiều cặp vợ chồng cũng xích mích vì người khác có sự “nhiệt tình” quá lố ấy. Anh Hướng vốn thương người, thường giúp đỡ bạn bè khi sa cơ thất thế. Ngày nọ, cô Trân đến nhờ anh nói giúp một câu để có thể về làm việc ở công ty do vợ anh là giám đốc. Thương cô em kết nghĩa ra trường đã lâu nhưng vẫn phải ngửa tay xin tiền bố mẹ, không công ăn việc làm ổn định nên anh chẳng hẹp hòi gì mà không nói thêm một câu. Nhờ vậy, Trân được vợ anh nhận vào làm. Mọi việc suôn sẻ quá phải không?
Vâng, nếu không xảy ra chuyện này.
Ngay ngày gặp mặt đầu tiên với giám đốc, Trân lại có “câu chuyện là quà” với sếp. Chẳng rõ cô tỉ tê thế nào mà ngay tối hôm đó, vợ anh Hướng nghiêm mặt bảo chồng: “Em quyết định không nhận cô ta vào làm việc trong công ty nữa”. Anh ngạc nhiên: “Trước đó, em đã đồng ý nhận hồ sơ kia mà?”. Vợ anh thủng thẳng: “Cô ta từ trình độ chuyên môn đến nhan sắc, khả năng giao tiếp đều tốt cả. Nhưng hạnh kiểm lại quá kém”. “Kém thế nào?”. “Ai đời mới gặp sếp mà cô ta đã mách lẻo những chuyện liên quan đến chồng sếp. Giờ em mới biết anh cũng không phải dạng vừa đâu!”. Nghe xong, anh Hướng điếng người. Vài hôm sau, vợ chồng vẫn tiếp tục “chiến tranh lạnh”.
Mới đến cơ quan nhiều người cũng lấy "câu chuyện làm quà" để kết thân đồng nghiệp (Ảnh minh họa)
Thế đấy, có những cuộc trao đổi, tâm tình dù sơ giao hay thâm tình nhưng nếu không khéo lại đẩy sự việc qua chiều hướng xấu khó lường hết. Có một tình huống mà tớ vẫn chưa quên: Đêm trăng thanh gió mát, tớ đi nhậu say sỉn, mãi đến nửa khuya mới về. Vừa bước chân vào nhà đã nôn thốc nôn tháo. Vợ tớ giận quá, sáng hôm sau thức dậy dắt xe đi làm sớm, không thèm chào hỏi, không thèm nấu nướng thức ăn điểm tâm như mọi lần. Tớ cảm thấy ăn năn hối hận quá nên nghĩ ra cách lấy lòng vợ.
Tối đó, với vẻ hết sức thân thiện, tớ có “câu chuyện làm quà”: “Nè má thằng Tèo biết chuyện gì chưa?”. Vợ vẫn không thèm trả lời. Tớ sấn tới nói khẽ: “Sáng nay, vài anh em phóng viên ở báo X. cho biết là sẽ viết bài về em đấy!”. Lập tức vợ tớ nhoẻn nụ cười: “Thiệt hả anh?”. Được “lên báo” ai mà không thích? Ít ra mẹ chồng vốn xem thường con dâu, nay ắt phải nể nang. Cũng đúng thôi, vì nhiều năm liền vợ tớ luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, “lên báo” là hợp lý quá đi chứ! Gặp ai, vợ tớ cũng khoe tin vui đó. Mỗi ngày cô ấy đều mua tờ báo X. đem về nhà và lật từng trang. Cho đến một hôm, mãi không thấy báo đăng, tớ bị vợ mắng một trận té tát.
***
Lấy “câu chuyện làm quà”, ban đầu ai cũng nghĩ nó vô thưởng vô phạt, miễn sao người nghe cảm thấy vui là được. Tưởng là thế nhưng rồi lắm lúc xảy ra những tình huống khiến người kể trở nên mất uy tín, lần sau có kể cũng chẳng ai thèm tin. Mà người liên quan trong câu chuyện cảm thấy bị xúc phạm, bị đem ra làm trò đùa không đúng lúc, đúng chỗ. Chi bằng, có chuyện thì kể, không thì thôi, chứ nào ai ép phải mua vui bằng những thông tin giật gân đâu?