Giữa rất đông nam thanh nữ tú, bà mẹ trẻ cùng hai con gái (khoảng 4 và 6 tuổi) gọi 3 suất mì cay ngồi sì sụp. Cô con gái lớn vừa ăn vừa xuýt xoa: “Cay quá mẹ ơi!”, còn cô út thì tay vừa quệt mồ hôi vừa chìa bát ra xin thêm mì. Cảnh trên được ghi nhận tại một quá mì cay 7 cấp độ khá đông khách ở phố Yên Lãng (Hà Nội) vào những ngày Hà Nội se lạnh đầu tháng 11. Tiết trời trở rét càng khiến quán mì cay đông khách hơn.
Ngoài những thực khách đa số là teen quen thuộc, quán còn có rất nhiều khách ở độ tuổi khác nhau, từ người trung niên đến các nhóc tì chỉ mới 4, 5 tuổi. Có người mẹ trẻ dẫn hai cô con gái vào quán mì ăn, chị gọi 3 bát mì cay với các cấp độ 1 và 2.
Phụ huynh cần cân nhắc khi đưa con đi ăn mì cay 7 cấp độ. Ảnh: D.Hà. |
Nhìn cô bé 4 tuổi húp mì ngon lành, khá nhiều người tò mò, có người khen cô bé giỏi vì ít tuổi đã biết ăn cay. Chị của cô bé còn ăn mì cấp độ 1 và hoàn thành rất nhanh suất mì của mình trước cả mẹ và em gái. Vừa ăn, cô bé vừa uống ừng ực hết bình nước lọc đá nhà hàng chuẩn bị sẵn kèm theo suất mì.
Anh Trần Hùng, một khách quen của quán mì này, tấm tắc: “Tôi ăn mì cấp độ 2 đã thấy cay hoa mắt hoa mũi, kể cả mì cấp độ 0, nước dùng đã khá cay rồi! Nhìn bé con ăn cay như vậy, thật tài tình!”.
Mì cay 7 cấp độ dù có mặt ở Hà Nội khá lâu nhưng độ “hot” của món ăn gia nhập từ Hàn Quốc này vẫn chưa dừng lại. Đối tượng thưởng thức chủ yếu là các bạn trẻ muốn thử thách cảm giác ăn cay. Món ăn này quả là kích thích tối đa vị giác với các vị đặc trưng như vị chua của kim chi, vị cay của ớt, vị ngọt của thịt bò, hải sản và độ nóng "sôi sùng sục" khi ra đến bàn ăn.
Hà Nội chuyển rét, món mì cay càng khiến nhiều thực khách "điên đảo". Ảnh minh họa internet. |
Với những người đã quen ăn cay thì gọi mì cấp độ 3 đã phải suýt xoa vì quá cay. Nhưng có những thực khách liều lĩnh gọi đến cấp độ 7 để thử cảm giác cay nóng. Hậu quả, Lê Na (nhân viên ngân hàng) đã bị đau bụng một trận trối chết, hoa mắt, ù tai vì thử lời thách đố của bạn, ăn hết bát mì cay 7 cấp độ. “Từ đó trở đi tôi không dám thử món mì này nữa, ăn xong ruột gan như cuộn hết lên!” - Lê Na nhớ lại.
Riêng với trẻ nhỏ, theo nhiều bác sĩ, bố mẹ tuyệt đối không nên chiều, cho con ăn thử mì cay bởi thực tế, nhiều người đã nhập viện, trong đó có trẻ em, vì hội chứng đại tràng kích thích hay viêm loét dạ dày - tá tràng. Vị cay của ớt có thể hại cho niêm mạc dạ dày, gây tổn thương, dẫn đến viêm loét dạ dày, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Một số nghiên cứu khoa học cho biết, việc sử dụng nhiều ớt và kéo dài có thể gây ung thư dạ dày. Đặc biệt bột ớt đỏ, nếu bị nhuộm màu có thể chứa sudan hoặc ớt tươi bị mốc còn chứa aflatoxin gây ngộ độc và ung thư.
Theo BS Trần Văn Ký - Hội khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm, trong ớt có một chất cay gọi là capsaicin. Vị cay này kích thích mạnh, khiến não bộ tiết ra chất hóa học làm giảm bớt đau đớn và sinh ra một chút khoái cảm. Trong ớt còn chứa một số chất giúp máu lưu thông tốt, tránh được tình trạng kết tụ tiểu cầu, ngừa tăng huyết áp, giảm béo.
Tác dụng của capsaicin còn kích thích các đầu dây thần kinh, làm dãn nở mao mạch, sinh ra hiện tượng đổ mồ hôi, đồng thời kích thích cơ thể đạt đến đỉnh điểm thăng hoa. Nhiều người bị ngộ độc ớt do ăn cay quá mức, đó là phản ứng tự bảo vệ của cơ thể để đưa độc tố ra ngoài. Khi ăn quá cay, rất dễ bị sặc, dẫn đến ngưng thở, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.