Khi tiếp xúc với các loại thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau mắt, mỏi mắt,... do đó, lúc này cần có biện pháp chăm sóc mắt hợp lý.
Trong một nghiên cứu được thực hiện với sinh viên tại Singapore cho biết, nhóm sinh viên này phát sinh tình trạng cận thị lên tới khoảng 0.50 diop đến 0.75 diop với thời gian kéo dài khoảng 3 tháng ôn thi.
Ngoài ra còn có nghiên cứu lớn hơn tại Mỹ được thực hiện cho phép người sử dụng dùng các loại màn hình trên 7 giờ/ngày. Kết quả có tới 80% số người bị cận thị sau 2 năm trong khi đó các ngưỡng dùng máy tính và màn hình khác chỉ dưới 5 giờ/ngày.
Khi phải tiếp xúc lâu với màn hình máy tính dễ gây ra các vấn đề sức khỏe mắt như khiến mắt bị:
- Mắt bị chói.
- Cảm giác cộm ở mắt.
- Nước mắt giàn giụa.
- Nhìn mờ.
Tình trạng này khiến công việc không được hoàn thành tốt nhất hoặc làm giảm tập trung khi làm việc với máy tính.
Các hiện tượng xảy ra khi sử dụng thiết bị điện tử với thời gian dài như:
- Chứng mỏi mắt.
- Xuất hiện cảm giác bị giật ở mắt.
- Tình trạng đau nhức trong hốc mắt.
- Khi nhìn xa và gần đều bị mờ thoáng qua.
Đọc thêm:
Dấu hiệu cho thấy mắt đang có vấn đề, cần đi khám chuyên khoa ngay
Cận thị là gì? Những điều cần biết về tật cận thị (Myopia/Nearsightedness)
Các tình trạng này xảy ra do mệt mỏi thị giác, co cơ mắt hoặc tình trạng mệt mỏi điều tiết khi phải làm việc với máy tính quá lâu.
Khi xuất hiện các triệu chứng hoặc vấn đề về mắt này, đây là dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần được nghỉ ngơi trước khi tiếp tục công việc.
Dù là học tập hay làm việc, để giảm các vấn đề về mắt đang gặp phải cần:
- Chủ động giãn cách thời gian ngồi trước màn hình máy tính, sử dụng điện thoại.
- Dành thời gian để nghỉ ngơi, nguyên tắc có thể áp dụng bằng cách sử dụng máy tính làm việc 2 giờ cần nghỉ 15 phút và nghỉ 5 phút sau 1 giờ làm việc.
Để mắt nghỉ ngơi bằng cách nhắm mắt, massage quanh mắt hoặc thực hiện các biện pháp khác như chườm ấm quanh mắt nếu mệt mỏi.
Ngoài ra, có thể áp dụng quy tắc 20-20-20 như sau: Sử dụng máy tính 20 phút nên cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn xa 20 feet tương đương với khoảng 6m và với thời gian 20 giây.
Để mắt có thể thích nghi với ánh sáng màn hình máy tính, cần điều chỉnh ánh sáng, tăng tương phản màn hình, tăng kích thước chữ và các ký tự trên màn hình.
Không những thế, tuyệt đối không sử dụng hiệu ứng loá, sáng quá trên màn hình.
Đối với các trường hợp khi làm việc, học tập có sử dụng thêm nguồn chiếu sáng phụ, cần để nguồn sáng này chiếu từ trên và từ sau màn hình. Lưu ý, sử dụng nguồn chiếu sáng phụ chỉ nên sử dụng đèn công suất bé, đèn compact và đèn vàng. Không nên sử dụng đèn neon.
Đồng thời, không nên để máy tính tại các khu vực như: gần cửa sổ, nơi có nguồn sáng mạnh sẽ gây ra giao thoa và hiệu ứng glare.
Đối với các loại thiết bị điện tử, khi học sinh hoặc sính viên học trực tuyến nên dùng máy tính xách tay, máy tính để bàn. Không nên sử dụng điện thoại để học trực tuyến vì sẽ khiến màn hình bé.
Khoảng cách tốt nhất đối với mắt là từ màn hình đến mắt cách khoảng 1,5 lần đường chéo màn hình. Có thể tính như sau: Đối với màn hình máy tính để bàn có khoảng cách từ 60 đến 80 cm. Trong khi đó cách khoảng 30 đến 40 cm đối với máy tính xách tay và máy tính bảng.
Lưu ý, nên đặt màn hình cao hoặc thấp hơn so với mắt với mục đích tạo trục nhìn với góc từ 15 đến 20 độ.
Khi trẻ nhỏ học tập bằng máy tính xách tay, phụ huynh cần chú ý để máy tính trên bàn, ghế phù hợp với tầm vóc trẻ.
Đây là cách giúp bảo vệ mắt tốt hơn khi phải làm việc với thiết bị điện tử trong thời gian dài. Dù là công việc hay học tập đều cần dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi. Không nên sử dụng thiết bị điện tử quá 7 giờ/ngày.
Ngoài ra, có thể sử dụng các loại kính chuyên dụng để làm việc với máy tính.
Làm việc với thiết bị điện tử lâu dài, không nên xem phim 3D, đây là nguyên nhân gây mệt mỏi cho não và mắt bởi cưỡng bức mắt lệch vào trong thái quá để tạo ra hiệu ứng 3D.
Làm việc với máy tính cũng khiến tần suất chớp mắt giảm xuống chỉ còn từ 5 đến 7 lần thay vì khoảng 15 lần như bình thường. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng khô mắt. Do đó, có thể sử dụng nước mắt nhân tạo, thuốc bôi trơn và làm ẩm ướt bề mặt nhãn cầu hoặc uống thuốc chống mỏi mắt nhằm khắc phục tình trạng này.
Đối với các dạng thuốc không kê đơn có tác dụng giảm bớt tình trạng mệt mỏi mắt và chảy nước mắt hoặc đau rát mắt khi làm việc với các thiết bị điện tử lâu. Tuy nhiên, vẫn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt trước khi sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, chăm sóc mắt tốt nhất bằng cách bồi bổ cho mắt. Bổ sung cho cơ thể dưỡng chất cần thiết cho mắt thông qua các loại thực phẩm như: rau, củ, quả có màu đỏ hoặc màu vàng, các loại cá, hải sản đều tốt cho mắt và não.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn